|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đừng nghĩ thị trường chứng khoán đang đen tối

09:42 | 06/07/2018
Chia sẻ
Trong quá khứ, VN-Index từng rơi từ 1.173 điểm về đáy 235 điểm, nhưng không có nghĩa thị trường “chết” trong mỗi mốc rơi của chỉ số. Chứng khoán có cách chuyển động theo cách riêng của nó, mà bằng chứng là từ đáy 235 điểm, VN-Index đã hồi phục dần lên 500 điểm, 700 điểm rồi trên 1.000 điểm. Vẻ đẹp của TTCK nằm ở những diễn biến bất quy luật, nhằm mang đến cho các thành viên một thông điệp: Thay vì chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi Index, hãy quản trị chính mình!
dung nghi thi truong chung khoan dang den toi Cuộc đối thoại của những ‘tay to’ thúc đẩy và nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
dung nghi thi truong chung khoan dang den toi Khối ngoại bán ròng phiên thứ 2 liên tiếp, tập trung vào VIC và VHM

Đen tối hay tươi sáng tùy thuộc vào cách nhìn của bạn

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán sáng 4/7, nhà đầu tư trẻ Phan Thu cho biết, dù lựa chọn khá kỹ các món đầu tư, nhưng tài khoản của cô đang âm 26%. Cô bối rối thực sự. Bán thì tiếc và bán xong chẳng biết mua món gì. Nhưng giữ thì chỉ lo lỗ tiếp khi thị trường tiếp tục rơi điểm. Tài khoản cứ đỏ quạch mỗi ngày khiến cô không yên tâm được. Cô cần một lời khuyên nên làm gì trong hoàn cảnh hiện nay?

Một nhà đầu tư khác, anh Hoàng Phúc, từng chọn cách an toàn là góp tiền vào quỹ. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay khiến anh cũng “không yên tâm được” khi mỗi ngày tài sản vơi đi vài phần trăm.

Những tưởng quỹ đầu tư, với sự quản lý của các bộ óc chuyên nghiệp và danh mục đầu tư đủ rộng, sẽ chỉ lãi chứ khó có thể lỗ sâu, nhưng không phải. Giá trị tài sản ròng của hàng loạt chứng chỉ quỹ rơi sâu, khiến không ít người sốt ruột đòi rút vốn.

Hoàn cảnh thị trường hiện nay khiến nhiều quỹ khổ, nhà đầu tư khổ vì mất mát. Cán cân cung - cầu chứng khoán cũng khổ vì bị “dội hàng” khi các quỹ, nhất là quỹ ETF, buộc phải bán ra để… trả lại tiền cho nhà đầu tư.

Vì sao VN-Index rơi mạnh, mang đến sự mất mát và bối rối cho nhiều chủ thể tham gia thị trường? Chia sẻ với báo chí về hiện trạng thị trường, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Trần Văn Dũng cho biết, tháng 6, TTCK Việt Nam chịu nhiều tác động từ bên ngoài, đặc biệt là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành và căng thẳng thương mại quốc tế, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Tác động kép của 2 sự kiện này đã làm rung động cả thị trường tài chính thế giới. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq của Mỹ giảm mạnh. Đến lượt châu Á, chỉ số Composit của Shanghai (Thượng Hải) đã giảm 6,4% trong tháng 6 và giảm thêm 2,5% trong 2 ngày vừa qua. Thị trường Hàn Quốc và các nước ASEAN cũng đồng loạt giảm. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài gia tăng rút vốn khỏi một số thị trường châu Á, mức rút vốn vào khoảng 22,8 tỷ USD (gồm Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore, Thailand, Indonesia, Philipinnes).

Trong bối cảnh trên, theo Chủ tịch UBCK, dù được đánh giá là đất nước có kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng Việt Nam cũng không khỏi bị ảnh hưởng của tác động của kinh tế toàn cầu. Một số quỹ đã bán bớt cổ phiếu và chuyển bớt vốn về nước. Điều đáng nói là động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã tác động mạnh đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước.

“Tôi có cảm giác nhiều nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với những thông tin về tình hình quốc tế”, ông Dũng nói và tin rằng, khi yếu tố tâm lý chi phối số đông qua đi, mặt bằng giá và giao dịch sẽ ổn định trở lại.

Thực tế cho thấy, trong những phiên Index giảm mạnh, 70% số cổ phiếu mất giá, vẫn có một dòng tiền nhiều nghìn tỷ đồng lặng lẽ mua vào. Thanh khoản trên sàn HOSE và HNX thường trực quanh mốc 5.000 - 7.000 tỷ đồng cho thấy, không phải tất cả nhà đầu tư đều bi quan.

Những người âm thầm mua cổ phiếu khi TTCK giảm mạnh chắc chắn không phải để… lướt sóng. Sống chung trong bầu không khí bi quan của quốc tế, trong nước, những người mua đó chắc chắn có tầm nhìn dài hạn. Mua là để tích lũy, chứ không thể mong lãi ngay.

dung nghi thi truong chung khoan dang den toi

Vậy nhà đầu tư cá nhân như Phan Thu, Hoàng Phúc nên hành động như thế nào trong thời chứng khoán suy giảm? Thực tế, chứng khoán Việt đã trải qua quá nhiều giai đoạn biến động, lên cao, xuống sâu.

Thị trường đã “dạy” cho những người trải nghiệm nó 1 ý niệm: Đen tối hay tươi sáng tùy thuộc vào cách nhìn, cách hành động của mỗi chủ thể. Index rơi, dù có rơi đến đáy nào đi nữa thì nhà đầu tư sẽ chỉ lỗ nếu quyết định tất toán danh mục.

Nếu chưa tất toán, tài sản chứng khoán vẫn thuộc quyền sở hữu của mình và tuần sau, tháng sau hoặc năm sau, khối tài sản đó lại mang một giá trị khác. Lỗ hay lãi (thực) không phụ thuộc vào Index của ngày hôm nay, mà phụ thuộc vào cách chọn thời điểm dừng cuộc chơi.

Mở rộng góc nhìn, mở rộng sự chọn lựa

Nếu nhà đầu tư đã chọn mua chứng khoán với những lý luận chắc chắn và sự chọn lựa kỹ càng, thì dù VN-Index cứ liên tiếp lập đáy này hay đáy khác, cũng không có nghĩa là khoản đầu tư đó bị nhuốm màu… đen tối.

Chia sẻ với truyền thông mới đây, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Mirae Asset, ông Kang Moon Kyung nói một ý rất “đắt”: “Đừng nghĩ thị trường đang đen tối”.

Khi thị trường cơ sở rơi mãi, nhà đầu tư có thể kiếm lời từ thị trường chứng khoán phái sinh. Hàn Quốc mất từ 2 đến 3 năm để tạo nên tính hấp dẫn và sự sôi động cho thị trường phái sinh khi mới thành lập, nhưng ở Việt Nam thì khác. Chứng khoán phái sinh phát triển rất tích cực, rất nhanh.

Chứng khoán phái sinh vận hành mở ra một không gian đầu tư khác bên cạnh thị trường cơ sở. Tuy nhiên, đó chỉ là 1 yếu tố khiến dòng vốn Hàn Quốc tìm đến TTCK Việt Nam ngày một nhiều hơn.

Trong cuộc xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì tháng 4/2018, hàng loạt nhà đầu tư Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến TTCK Việt Nam. Người Hàn Quốc có mục tiêu rõ ràng là muốn nâng kim ngạch thương mại Việt - Hàn lên 100 tỷ USD vào năm 2020.

Ông JunDong Kim, Phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Hàn Quốc cho rằng, 50% thành viên trong Hiệp hội Các nhà đầu tư Hàn Quốc (có 200.000 thành viên là doanh nghiệp) hiện rất quan tâm đến châu Á, trong đó Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn nhất.

Tổng giám đốc Shinhan Bank Việt Nam - ông Shin Dong Min thì chia sẻ, ngân hàng ông đã trải qua nhiều cân nhắc xem nên chọn đầu tư vào Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia hay Việt Nam, nhưng cuối cùng đã chọn Việt Nam.

Lý do lựa chọn là Chính phủ Việt Nam có sự ủng hộ rất lớn với nhà đầu tư nước ngoài và đây là một cam kết dài hạn. Cùng với đó, kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và lạm phát được Chính phủ cam kết kiềm chế ở mức hợp lý. Cá nhân ông Shin Dong Min đã ở Việt Nam 7 năm và gần đây ông cho rằng, không riêng Shinhan, những yếu tố nền tảng tại Việt Nam đang tạo cơ hội cho tất cả các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

"Khi đã trải qua nhiều sự cân nhắc thì nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không dễ rút vốn và rời khỏi TTCK Việt Nam", ông Shin Dong Min nói.

Trở lại câu chuyện về tính thời điểm. Dragon Capital là một trong những tổ chức đầu tư gắn bó nhất với thị trường vốn Việt Nam. Họ đã ở Việt Nam 23 năm và trải qua tất cả những giai đoạn thăng trầm của... Index.

Trong đầu tư, Dragon Capital cũng từng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng chính ông Dominic Sciven, Chủ tịch Dragon Capital chia sẻ, chứng chỉ quỹ ban đầu của Quỹ có giá trị là 1 USD, thì nay có giá trị 8,5 USD. Bình quân lợi nhuận đạt được là 12-13%/năm trong bối cảnh hoạt động đầu tư của Dragon Capital không phải là táo bạo nhất trong các quỹ, mà ở mức vừa phải, đủ phản ánh cơ hội và rủi ro tại Việt Nam.

Như vậy, lúc này, nên mua, nên rút vốn hay giữ lại khoản đầu tư cho dài hạn? Câu hỏi được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm khi TTCK chịu áp lực giảm điểm này chẳng thể có một câu trả lời chung cho tất cả.

Thực tế, việc đầu tư vào TTCK Việt Nam có mang lại hiệu quả hay không phụ thuộc vào khả năng chọn lựa cơ hội, kiên định với quan điểm đầu tư và thời điểm "vào, ra" của mỗi người.

Xem thêm

Tường Vi