|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đứng dậy sau cú sốc giảm giá

07:58 | 03/12/2019
Chia sẻ
Trung Quốc, Ấn Độ đều đang đẩy mạnh nuôi cá tra và đều được đánh giá là các ứng cử viên sáng giá trên thị trường cá tra xuất khẩu. Cá tra Việt giờ đây đã không còn “một mình một chợ” và phải đối mặt cạnh tranh khốc liệt.

Tính đến tháng 7/2019, giá cá tra giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Không chỉ cá tra, con tôm cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ như Ấn Độ và Thái Lan.

Đứng dậy sau cú sốc giảm giá - Ảnh 1.

Sau một khoảng thời gian dài độc chiếm danh sách mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mang lại doanh thu hơn 2 tỷ USD vào năm 2018, đến nay ngành cá tra Việt Nam đang đối mặt hàng loạt khó khăn và thách thức do khủng hoảng thừa.

Trước đó, khi giá cá tra giống và thương phẩm tăng kỷ lục, diện tích nuôi được mở rộng, không ít dự báo cho rằng kéo theo sau hiện tượng này sẽ là một đợt giảm giá mạnh nếu nông dân ồ ạt đào ao nuôi. Và những gì ngành cá tra đang đối mặt không nằm ngoài dự đoán đó.

Bộ NN&PTNT Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 9 tháng đầu năm đạt 6,23 tỷ USD, giảm 2% so cùng kỳ năm ngoái.

Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn là các thị trường tiêu thụ chủ lực của các mặt hàng thủy, hải sản Việt Nam với tỷ trọng lên tới 56,8% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản. Một số danh mục mặt hàng xuất khẩu thủy sản bị sụt giảm giá trị so cùng kỳ năm ngoái như tôm, cá tra do cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Thái Lan.

Tại thị trường nội địa, sau một thời gian tăng vọt, đến nay giá cá tra tại vùng ĐBSCL suốt tháng 9 đã giảm vì cung vượt cầu. Kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt 1,304 tỷ USD, giảm 7,7% so cùng kỳ.

Giá cá tra nguyên liệu trong 9 tháng đầu năm diễn biến bất lợi cho cả người nuôi lẫn doanh nghiệp xuất khẩu; như vậy, giá cá tra đã giảm mạnh chỉ sau thời gian tăng ngắn ngủi một năm.

Giá cá tra giảm mạnh tại thị trường nội địa còn do tăng trưởng xuất khẩu bị chững lại, đặc biệt tại thị trường Mỹ và Trung Quốc; trong khi, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ đã bắt đầu rục rịch nuôi cá tra công nghệ cao; Thái Lan và Ấn Độ lại tăng cường kiểm soát bệnh dịch NTTS và có những vụ mùa bội thu.

Nền kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới; trong khi các quốc gia trên thế giới ngày càng chú trọng đầu tư vào ngành nông nghiệp.

Điều này tạo ra những tác động tiêu cực tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những tháng cuối cùng của năm nay, khiến mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu thủy sản có thể xa tầm tay hơn.

Không còn cách nào khác, các doanh nghiệp cá tra phải đổi mới công nghệ và tăng cường liên kết, nếu không sẽ đối diện nguy cơ tụt hậu so với Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Quản lý, quy hoạch vùng nuôi không dễ, nhất là ở Việt Nam do các hộ nuôi nhỏ lẻ còn nhiều.

Có thể sau cú sốc này, người dân vẫn nuôi cá, nhưng sẽ ghi nhớ hơn bài học không chạy theo sản lượng và chú trọng các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi cá tra.

Giáo sư Emeritus Patrick Sorgeloos - Đại học Ghent, Bỉ