|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dừng cho vay ngoại tệ: Một mũi tên trúng nhiều đích

20:14 | 01/10/2019
Chia sẻ
Việc hạn chế cho vay ngoại tệ thực chất giảm đi phần cung-cầu ngoại tệ "ảo" và nếu xét ở góc độ vĩ mô, điều này sẽ góp phần giảm đôla hóa trong nền kinh tế.
DSC00461

Giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng. (Ảnh: CTV)

Kể từ ngày 1/10, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán xuất nhập khẩu hàng hoá. Các chuyên gia đánh giá đây là quyết định đúng đắn và có tác động tích cực tới nền kinh tế.

Giảm cung-cầu ngoại tệ "ảo"

Theo Thông tư 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN, sau ngày 30/9, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh.

Trước đó, các khoản vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay cũng đã chấm dứt kể từ 31/3/2019.

Lãnh đạo các tổ chức tín dụng cho biết hiện nay ngân hàng chỉ được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu cho vay ngắn hạn để thanh toán nhập khẩu hàng hóa khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu hàng năm; các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài (đối với các dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương) cũng là đối tượng được vay ngoại tệ ngắn hạn.

Nhìn nhận về vấn đề này, các chuyên gia ngân hàng cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước siết chặt dần tín dụng ngoại tệ là để thực hiện chủ trương chống đôla hoá trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.

Theo đó, Chiến lược phát triển ngân hàng đến năm 2025 định hướng đến 2030, được phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Chính phủ, đặt mục tiêu cụ thể giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế.

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc VIB, việc hạn chế cho các doanh nghiệp nhập khẩu vay ngoại tệ thực chất giảm đi phần cung-cầu ngoại tệ ảo. Xét ở góc vĩ mô, điều này góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững và là một trong những nỗ lực để giảm đôla hóa trong nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước.

Dừng cho vay ngoại tệ: Một mũi tên trúng nhiều đích - Ảnh 2.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại doanh nghiệp. (Nguồn: TTXVN)

 Xu hướng tất yếu

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn HSBC Việt Nam, sau hơn 9 tháng triển khai, quy định mới theo Thông tư số 42 không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp. Các hoạt động vay của khách hàng vẫn diễn ra ổn định. Điều này nhờ vào lộ trình áp dụng rõ ràng giúp doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh kế hoạch.

“Với HSBC, chúng tôi tư vấn cho doanh nghiệp những thay đổi có thể xảy ra khi Thông tư được áp dụng hoàn toàn đồng thời cung cấp những công cụ tài chính hợp lý và hiệu quả nhất mà khách hàng có thể sử dụng, như các sản phẩm phái sinh, từ đó giúp họ dự báo và ứng phó với những thay đổi của thị trường một cách tốt nhất,” ông Khoa nhấn mạnh.

Chính vì vậy, ông Khoa cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước không trì hoãn việc dừng cho vay ngoại tệ giúp Chính phủ có lộ trình phù hợp và đạt mục tiêu mà Quyết định số 986 đã đặt ra.

Ngay cả đối với một ngân hàng trước đây cũng cho vay nhiều ngoại tệ như Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) thì mấy năm trở lại đây, dư nợ ngoại tệ đã giảm đáng kể và hiện chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ của ngân hàng, với 3,3%. Lãnh đạo nhà băng này cho hay việc dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn không tác động diện rộng lên thị trường và không tác động đến hoạt động kinh doanh của chính ngân hàng.

Xu hướng này cũng thể hiện rõ rệt ở một số ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước. Đơn cử như Vietcombank, vốn là một ngân hàng có thế mạnh về kinh doanh ngoại tệ, song tiền gửi bằng ngoại tệ vẫn giảm tới 7.360 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm và xuống còn 135.932 tỷ đồng. 

Trong khi tổng tiền gửi của khách hàng lại tăng 8,6% và lên 870.860 tỷ đồng. Do vậy, tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ trong tổng tiền gửi khách hàng của Vietcombank đã giảm nhanh từ mức 17,9% tại thời điểm cuối năm 2018 xuống còn 15,6% vào cuối quý 2 vừa qua.

Tương tự, nguồn vốn huy động ngoại tệ của VietinBank cũng giảm 1.744 tỷ đồng và xuống còn 54.211 tỷ đồng, kéo tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ trong tổng tiền gửi của khách hàng cũng giảm từ 6,8% xuống còn 6,4%. Tiền gửi ngoại tệ của BIDV cũng giảm 2.493 tỷ đồng và xuống còn 47.847 tỷ đồng, kéo tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ giảm từ 5,1% xuống còn 4,5%...

Diễn biến trên cho thấy, dòng tiền tiết kiệm của người dân đang có xu hướng dịch chuyển sang tiền đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, dù đã được báo trước 9 tháng để chuẩn bị và lên phương án tài chính, song nhiều doanh nghiệp vẫn mang tâm lý "đợi chờ".

Bà Nguyễn Tú Anh, Phó giám đốc Công ty cổ phần thủ công mỹ nghệ Hoa Lư than thở rằng nếu phải chuyển sang mua/bán ngoại tệ thì rất “căng” cho doanh nghiệp. Hiện tại, dù có nguồn thu từ xuất khẩu song doanh nghiệp của bà vẫn đang phải vay ngoại tệ để nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu phụ kiện kết hợp với sản phẩm trong nước để xuất khẩu như bao bì, túi nilông…

Theo ước tính của bà Tú Anh, nếu không còn được vay ngoại tệ trung và dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh thì tổng chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ đội lên 35%...

Tuy nhiên, giới chuyên gia lại cho rằng khi quyết định đưa ra một chính sách, cơ quan quản lý đã tính toán để hài hòa lợi ích giữa các bên thay vì chỉ tập trung cho doanh nghiệp hay mục tiêu chống đôla hóa nền kinh tế.

Song tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng thừa nhận để giảm đôla hóa trong nền kinh tế một cách bền vững thì không chỉ mình ngân hàng làm được mà cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thúy Hà

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.