Mua ngoại tệ - chính sách đa mục tiêu
Việc mua vào đô la Mỹ còn được xem là chính sách đa mục tiêu trong bối cảnh hiện nay, nhằm tác động lên tỷ giá và lãi suất. Ảnh TTXVN.
Không còn lo ngại về việc vi phạm tiêu chí thao túng tiền tệ
Kể từ lần cập nhật vào giữa tháng 4 năm nay, thông tin về dự trữ ngoại hối của NHNN và việc mua ngoại tệ của NHNN gần như vắng bóng, không được đề cập. Một số ý kiến cho rằng lượng ngoại tệ mua ròng trong bốn tháng đầu năm lên đến 8,35 tỉ đô la Mỹ đã vượt quá tỷ lệ 2% GDP ước tính đạt được trong năm nay, một trong ba tiêu chí có thể khiến Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ.
Tuy nhiên, một báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán SSI cho biết NHNN đã mua vào một lượng ngoại tệ (đô la Mỹ) trong tuần cuối tháng 8, dù không nêu rõ chi tiết giá trị là bao nhiêu. Thông tin trên khiến nhiều người bất ngờ, nhưng thực tế cho thấy hiện có nhiều cơ sở ủng hộ cho động thái này của nhà điều hành.
Với việc quy mô GDP mới đây được điều chỉnh tăng vọt thêm 25% khi tính thêm 76.000 doanh nghiệp trước đây bỏ sót, dẫn đến một loạt tiêu chí tính theo GDP được nới rộng, từ các tỷ lệ thâm hụt ngân sách, nợ quốc gia cho đến các chỉ số để căn cứ vào đó đánh giá một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không là thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP và mua ròng ngoại hối trong sáu tháng liên tiếp với tổng số tương đương 2% GDP.
Do đó, NHNN có thể lựa chọn tiếp tục mua vào đô la Mỹ mà không quá lo ngại việc vi phạm tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ, nhất là khi việc Chính phủ Mỹ gần đây đã tùy nghi cáo buộc Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ mà không cần đoái hoài đến cơ sở - các tiêu chí tự mình đã đặt ra.
Điều quan trọng hơn là với quy mô dự trữ ngoại hối còn khiêm tốn, theo cập nhật gần nhất hồi tháng 4 ước khoảng 66,3 tỉ đô la Mỹ, chỉ tương đương với 13 tuần nhập khẩu, vừa đủ mức độ an toàn theo tiêu chí đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thì việc gia tăng dự trữ ngoại hối là điều cần thiết trong tình hình hiện nay, nhất là khi tình hình kinh tế toàn cầu và thị trường tiền tệ ngày càng rơi vào tình trạng bất ổn, các dòng vốn đầu tư có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào và nền kinh tế có thể phải đối mặt với các cuộc tấn công tiền tệ khó lường trước.
Nhắm đến nhiều mục tiêu
Việc mua vào đô la Mỹ còn được xem là chính sách đa mục tiêu trong bối cảnh hiện nay, nhằm tác động lên tỷ giá và lãi suất. Cụ thể, dù tiền đồng chịu rất nhiều áp lực từ việc phá giá mạnh của nhân dân tệ và sự tăng giá của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế, khiến NHNN phải liên tiếp điều chỉnh tỷ giá trung tâm, nhưng giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do gần như không chịu nhiều ảnh hưởng.
Theo đó, sau khi giảm hơn 200 đồng trong tháng 6 và tháng 7, giá mua bán đô la Mỹ tại các ngân hàng lẫn trên thị trường tự do gần như đứng yên trong tháng 8 vừa qua, bất chấp tỷ giá trung tâm tăng đến 60 đồng trong cùng thời gian. Hệ quả là tiền đồng so với các đồng tiền khác trong khu vực đã tăng giá đáng kể, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Nếu theo dữ liệu thống kê tỷ giá chéo từ NHNN tính đến cuối tháng 8, tiền đồng đã tăng giá 6,6% so với won của Hàn Quốc (so với đầu năm), tăng 2,9% so với nhân dân tệ của Trung Quốc, tăng 1,0% so với rupee của Ấn Độ, tăng 0,6% so với đô la Singapore và tăng 0,4% so với ringgit của Malaysia tính từ đầu năm.
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào Việt Nam mạnh mẽ để tránh rủi ro chiến tranh thương mại, trong khi cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư lớn trở lại kể từ tháng 7, giúp nguồn cung ngoại tệ trong nước ngày càng dồi dào, tiền đồng liên tiếp tăng giá so với đô la Mỹ suốt từ cuối tháng 6 đến nay.
Chính vì vậy, việc mua vào đô la Mỹ và bơm một lượng tương ứng tiền đồng ra được kỳ vọng sẽ tác động đến xu hướng tỷ giá liên ngân hàng và thị trường tự do bám sát hơn diễn biến của tỷ giá trung tâm do NHNN điều tiết. Hay nói cách khác, việc mua vào đô la Mỹ đồng nghĩa với việc sẽ rút một lượng lớn đô la Mỹ ra khỏi thị trường, từ đó có thể ngăn chặn đà tăng giá của tiền đồng trên thị trường.
Ngoài tác động lên thị trường ngoại hối, việc mua đô la Mỹ cũng có thể giúp mặt bằng lãi suất ổn định trở lại sau giai đoạn tăng vọt gần đây. Diễn biến lãi suất huy động của nhiều ngân hàng được điều chỉnh tăng mạnh trong hai tháng trở lại đây, trong khi lãi suất vay mượn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng những ngày cuối tháng 8 có lúc vọt mạnh lên mốc 5%, cho thấy thanh khoản hệ thống bắt đầu căng thẳng và chịu nhiều áp lực trở lại.
Ngoài việc liên tiếp bơm ròng trên thị trường mở, với giá trị lên đến hơn 63.000 tỉ đồng trong tháng 8, riêng nửa cuối tháng 8 là hơn 55.000 tỉ đồng, thì việc NHNN mua vào đô la Mỹ cũng đã gián tiếp bơm thêm một lượng lớn tiền đồng ra thị trường, giúp giảm áp lực thanh khoản lên các ngân hàng thương mại.
Lịch sử đã cho thấy mặt bằng lãi suất trong hơn ba năm qua luôn được giữ ổn định có đóng góp không nhỏ từ việc hỗ trợ thanh khoản kịp thời, phù hợp của nhà điều hành, trong đó kênh mua đô la Mỹ đã được sử dụng triệt để hiệu quả và cần thiết.
Sau khi giảm hơn 200 đồng trong tháng 6 và tháng 7, giá mua bán đô la Mỹ tại các ngân hàng lẫn trên thị trường tự do gần như đứng yên trong tháng 8 vừa qua, bất chấp tỷ giá trung tâm tăng thêm đến 60 đồng trong cùng thời gian. Hệ quả là tiền đồng so với các đồng tiền khác trong khu vực đã tăng giá đáng kể, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/