|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đừng chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam

22:31 | 11/06/2020
Chia sẻ
Chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam sẽ khó chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt nhất và không ai dám đảm bảo, đằng sau các đề xuất chỉ định thầu không có bóng dáng lợi ích nhóm, không có tiêu cực và sự độc quyền.
Đừng chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

Đấu thầu ngoài việc nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch, còn là giải pháp hạn chế tiêu cực gây thất thoát và lãng phí tài sản công. Ảnh minh họa Anh Quân

Cao tốc Bắc - Nam dài 654km được chia ra 8 dự án thành phần có tổng mức đầu tư ban đầu gần 120.000 tỉ đồng, sau đó được đề xuất điều chỉnh hình thức đầu tư từ đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công 100% vốn nhà nước đối với 3/8 dự án thành phần, rút tổng mức đầu tư xuống còn hơn 100.000 tỉ đồng, tức là giảm gần 20.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trước khi tờ trình được gửi lên Quốc hội, nhiều bộ ngành đã đề xuất chỉ định thầu. Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Chính phủ đề xuất cho Tổng công ty Sông Đà được chỉ định thầu một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc này.

Bộ Quốc phòng cũng đề xuất cho đơn vị trực thuộc là Tổng công ty xây dựng Trường Sơn được chỉ định thầu làm dự án. 

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong văn bản tham mưu có nêu ra gợi ý khi thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ chỉ định thầu các dự án cao tốc này để đẩy nhanh tiến độ, kịp khởi công vào tháng 9 tới.

Chỉ định thầu sẽ khó chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt nhất. Nhiều vấn đề có khả năng xảy ra như chậm tiến độ, đội vốn đầu tư làm giảm hiệu quả, ảnh hưởng chất lượng công trình, dễ dẫn đến cơ chế xin - cho cũng như tạo điều kiện tham nhũng.

Nhiều dự án giao thông có quy mô lớn được chỉ định thầu cũng cho thấy đình trệ khi giá trị quyết toán nhỏ hơn tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt.

Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ các dự án "tai tiếng", kém hiệu quả bởi chỉ định thầu.

Dự án có quy mô càng lớn với vốn đầu tư cao càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên phải hết sức thận trọng lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, sao cho có năng lực tốt nhất để đảm bảo thành công cho dự án.

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt dự án chỉ định thầu và yêu cầu điều chỉnh theo thực tế vì tổng mức đầu tư đã thực hiện thấp hơn phê duyệt.

Cụ thể, giảm lợi nhuận nhà đầu tư hơn 433 tỉ đồng, giảm lãi vay hơn 1.000 tỉ đồng và giảm thời gian thu phí hơn 5 năm với dự án xây dựng cầu Cổ Chiên (nối Trà Vinh - Bến Tre); giảm thời gian thu phí tới 7 năm 7 tháng với một dự án trên quốc lộ 19 và giảm tới 10 năm với một dự án ở Tây nguyên.

Tổng mức đầu tư dự án được lập và phê duyệt tăng cao hơn nhiều so với thực tế không loại trừ khả năng nhà đầu tư có chủ ý tạo ra để vay ngân hàng cao hơn giá trị thực của công trình.

Ví dụ, nếu tổng mức đầu tư dự án là 100.000 tỉ đồng, theo quy định nhà đầu tư chi ra 20.000 tỉ đồng, ngân hàng cho vay 80.000 tỉ đồng. 

Thực tế xây dựng công trình chưa tới 80.000 tỉ đồng, ngân hàng cho vay theo tổng mức đầu tư đã lập có thể cao hơn giá trị công trình 20.000 tỉ đồng. 

Như vậy, lúc này dự án sẽ bị đội vốn đầu tư vì vay nhiều tiền hơn, rủi ro ở phía ngân hàng còn nhà đầu tư có khi “tay không bắt giặc”.

Trong trường hợp dự án sử dụng quá nhiều vốn vay, dù là vay tư nhân hay ngân hàng thương mại hoặc cổ phần, nhà đầu tư vẫn được thanh toán chi phí có liên quan. Như vậy xét về bản chất Nhà nước đi vay tiền và còn phải chịu chi phí để nhà đầu tư có lợi nhuận.

Lãi vay cho một vòng đời dự án có quy mô lớn với tổng mức đầu tư lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng là số tiền khổng lồ, điều này cho thấy nếu đầu tư chủ yếu bằng tiền đi vay không bao giờ hiệu quả, còn là nguyên nhân khiến nhà đầu tư không có khả năng trả nợ dẫn đến nợ xấu trong khu vực ngân hàng càng tăng. 

Nếu tổ chức đấu thầu sẽ có so sánh năng lực tài chính giữa các nhà đầu tư, khó đội vốn lên cao.

Không chỉ tổng mức đầu tư cao, chỉ định thầu sẽ khó chọn được đối tác có năng lực tốt nhất, ảnh hưởng chất lượng công trình. 

Nhiều công trình giao thông lớn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng ngay sau khi đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp như quốc lộ 1, quốc lộ 18, cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng, đưa vào sử dụng chỉ mới một tháng đã hỏng, biến dạng, lõm cục bộ, bong tróc, ổ gà. 

Hay như vụ việc một số nhà đầu tư được chỉ định thầu nhưng không có đủ năng lực tổ chức thực hiện nên đã bán thầu, chẳng hạn ở dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Chỉ định thầu có thể rút ngắn được thời gian trên dưới một tháng, giảm thủ tục hành chính nhưng rủi ro để lại rất cao, nếu chọn nhà thầu không đủ năng lực thật sự thì dự án càng chậm hơn.

Không ai dám đảm bảo đằng sau các đề xuất chỉ định thầu không có bóng dáng lợi ích nhóm, không có tiêu cực và sự độc quyền.

Hàng loạt dự án giao thông, sau khi kêu gọi đầu tư hoặc công bố kế hoạch triển khai, nhiều nhà đầu tư và nhà thầu quan tâm ngỏ ý muốn tham gia. 

Cứ tưởng cơ quan chức năng sẽ vui mừng, nhưng sau đó lại đặt điều kiện tiến độ “cấp bách” để chỉ định thầu.

Đấu thầu ngoài việc nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch còn là giải pháp hạn chế tiêu cực gây thất thoát và lãng phí tài sản công.

Luật Đấu thầu kiểm soát chặt chẽ các trường hợp cho phép chỉ định thầu với giới hạn tối đa hợp đồng không quá 1 tỉ đồng. 

Nhưng đó chỉ là chặt chẽ trên giấy tờ, quy định trong luật, khi thời gian qua có không ít dự án đầu tư bằng tài sản nhà nước trị giá từ hàng chục đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng đã được chỉ định thầu với những lý do thường thấy là tính "cấp bách" để đáp ứng tiến độ.

Hai chữ “cấp bách" có nêu trong quy định và phù hợp pháp luật, tuy nhiên mục đích và nội dung cũng như tình huống áp dụng thì hoàn toàn khác nhau. “Cấp bách” để kịp tiến độ khác xa với “cấp bách” được diễn giải trong Luật Đấu thầu 2013.

Chỉ định thầu trong trường hợp “cấp bách” theo Luật Đấu thầu 2013 (khoản 1, điều 22) có quy định rõ mục đích và nội dung cũng như tình huống áp dụng là: “Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng. 

 Gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề. 

Gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách”.

Vì vậy, lấy lý do “cấp bách” để kịp tiến độ mà “phá rào” chỉ định thầu dự án giao thông trong thời gian qua là sai, không thượng tôn pháp luật.

Chỉ định thầu có thể rút ngắn được thời gian trên dưới một tháng, giảm thủ tục hành chính nhưng rủi ro để lại rất cao, nếu chọn nhà thầu không đủ năng lực thật sự thì dự án càng chậm hơn. 

Không ai dám đảm bảo đằng sau các đề xuất chỉ định thầu không có bóng dáng lợi ích nhóm, không có tiêu cực và sự độc quyền.

Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ các dự án “tai tiếng”, kém hiệu quả bởi chỉ định thầu. Dự án có quy mô càng lớn với vốn đầu tư cao càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên phải hết sức thận trọng lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, sao cho có năng lực tốt nhất để đảm bảo thành công cho dự án.

Không gì tốt hơn là phải minh bạch, công khai, tạo tiêu chí cạnh tranh công bằng, tổ chức đấu thầu thu hút nhiều đối tác tham gia để so sánh đánh giá rồi lựa chọn.

Cao tốc Bắc - Nam dù được đầu tư theo hình thức PPP hay đầu tư công cũng có điểm chung thuận lợi để tổ chức đấu thầu, đó là đã có nhiều nhà thầu tư nhân vượt qua vòng sơ tuyển 7/8 dự án. 

Nếu chỉ định thầu hẳn sẽ phải hủy bỏ kết quả sơ tuyển, lãng phí công sức trong thời gian dài, ít nhiều giảm sút uy tín và niềm tin trong thu hút kêu gọi đầu tư.

Chưa kể, cái mất lớn hơn là niềm tin trong nền kinh tế thị trường thiếu cạnh tranh, những nhà đầu tư hay nhà thầu có năng lực lại bị mất cơ hội nhận dự án qua đấu thầu, nhất là trong thời điểm dịch bệnh cần tạo cơ hội bình đẳng cho các thành phần kinh tế.

Trần Văn Tường