Dự án PPP cao tốc Bắc - Nam chỉ tuyển nhà đầu tư trong nước
Chính phủ ưu tiên bố trí vốn trung hạn 2021-2025
Sáng nay (9/6), tại phiên thảo luận ở tổ của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14, có nhiều đại biểu băn khoăn về việc lấy nguồn vốn ở đâu khi chuyển dự án PPP tuyến cao tốc Bắc - Nam sang dự án đầu tư công, phương án thu hồi vốn ra sao?
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đặt vấn đề: “Khi chúng tôi tiếp xúc cử tri, cử tri rất băn khoăn: Chính phủ đưa ra kịch bản tăng trưởng kinh tế giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tiền không có thì lấy đâu ra vốn đầu tư công cho các dự án thành phần PPP chuyển sang đầu tư công?”
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng mức đầu tư của dự án là 100.816 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án là 78.461 tỷ đồng, bao gồm: 55.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã được bố trí; phần còn thiếu (23.461 tỷ đồng) Chính phủ sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Vốn huy động ngoài ngân sách là 22.355 tỷ đồng.
“Vậy hơn 23.000 tỷ đồng phần còn thiếu này lấy ở đâu? Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo Bộ KHĐT và các Bộ chuẩn bị kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo: Ưu tiên 1 bố trí vốn cho nhu cầu 23.000 tỷ của dự án trong nhiệm kỳ tới. Như vậy, về nguồn vốn là hoàn toàn có thể bố trí được, khả thi”, Bộ trưởng Thể khẳng định.
Chỉ tuyển nhà đầu tư trong nước
Nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi liệu dự án có đảm bảo chất lượng khi chuyển sang đầu tư công? Có nhà đầu tư nước ngoài tham gia không?
Đại biểu Tám cho biết, cử tri rất dị ứng với nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng nếu theo Luật Đầu tư PPP được thông qua, sẽ có nhà đầu tư nước ngoài tham gia, vì thế với 5 dự án PPP giữ lại, liệu nước ngoài có vào đầu tư không?
Còn đại biểu Phan Việt Cường (đoàn Quảng Nam) đề nghị Chính phủ cần có phương án đánh giá về chất lượng công trình sau khi chuyển sang đầu tư công, vì cần rút kinh nghiệm từ những sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Liên quan đến những nội dung này, Bộ trưởng Thể cho biết, thực hiện Nghị quyết 52, đã tiến hành đấu thầu quốc tế công khai minh bạch đối với 8 dự án PPP. Tuy nhiên, có thực tế là các nhà đầu tư châu Âu, Nhật Bản, Mỹ có quan tâm nhưng không tham gia vì họ cần có cơ chế bảo lãnh doanh thu. Trong khi đó, ta chưa có chính sách này.
Vì vậy, đã công bố hủy đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu trong nước, các nhà đầu tư tham gia là doanh nghiệp Việt Nam, để đảm bảo an ninh quốc phòng, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước có cơ hội để đầu tư, phát triển. Từ tháng 8/2019 đến tháng 4/2020, tổ chức sơ tuyển đấu thầu trong nước toàn bộ. Như vậy, toàn bộ các dự án PPP không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Về chất lượng công trình, nếu chuyển sang đầu tư công, Bộ trưởng Thể nói: “Với trách nhiệm của mình cũng như của Bộ GTVT, tôi cam kết cố gắng tối đa, làm tốt nhất. Tuy nhiên cũng có yếu tố rủi ro, do chất lượng đường còn liên quan đến cả địa chất, thủy văn…”.
Bộ trưởng GTVT cũng cho biết, Chính phủ đã thành lập tổ giám sát gồm 26 thành viên từ các Bộ, ngành… giám sát việc triển khai dự án, kể cả từ giai đoạn sơ tuyển nhà đầu tư để đảm đảo đúng thủ tục, quy định pháp luật và chất lượng dự án.