|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đừng biến sông Tô Lịch thành 'mương luân chuyển' nước thải

10:30 | 20/07/2019
Chia sẻ
Theo các chuyên gia để hồi sinh sông Tô Lịch cần đồng bộ giải pháp, không biến sông Tô Lịch thành chức năng vận chuyển nước thải.

Gia hạn thêm 2 tháng thí nghiệm công nghệ làm sạch sông Tô Lịch

Như đã đưa, ngày 16/5, thành phố Hà Nội đã khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor. Các thiết bị được đặt xuống đáy sông, với chiều dài 300m, đoạn từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về phía Cầu Giấy. Thời gian thí điểm dự kiến kéo dài đến ngày 17/7.

Đừng biến sông Tô Lịch thành 'mương luân chuyển' nước thải - Ảnh 1.

Công nghệ Nano-Bioreactor được thí điểm dưới sông Tô Lịch.

Công nghệ Nano-Bioreator gồm hai yếu tố là máy sục khí Nano tạo ra oxy trực tiếp kích hoạt vi sinh vật; các tấm vật liệu Bioreactor là chất xúc tác, cung cấp giá thể, tạo môi trường sống cho vi sinh vật. Hai yếu tố kết hợp thúc đẩy quá trình tự làm sạch nước, phân hủy bùn.

Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, từ ngày 17/4, Sở Xây dựng đã có văn bản thống nhất mực nước khống chế các sông, hồ điều hòa trên địa bàn trong năm 2019 phục vụ thoát nước đô thị, trong đó mực nước khống chế vào mùa mưa của Hồ Tây được quy định từ 5.60 - 5.70m. 

Tại thời điểm ngày 9/7, mực nước Hồ Tây đo được là 5.96m vượt (0,26-0,36m) so với mực nước quy định.

Để đảm bảo thoát nước, chống úng ngập cho khu vực xung quanh Hồ Tây, việc đưa mực nước Hồ Tây về mực nước khống chế là cần thiết, trước khi tiến hành hạ mực nước Hồ Tây, Công ty đã thông báo cho JVE (là đơn vị thử nghiệm công nghệ nano-Bioreator) và JVE đã khẳng định trên báo chí là không ảnh hưởng đến công tác thử nghiệm. 

Do vậy từ ngày 9/7 đến 11/7, Công ty Thoát nước Hà Nội tiến hành hạ mực nước Hồ Tây về mực nước không chế.

Đừng biến sông Tô Lịch thành 'mương luân chuyển' nước thải - Ảnh 2.

Nước được xả từ cống ở hồ Tây vào 9h sáng ngày 9/7.

Khoảng 9h sáng ngày 9/7, Công ty Thoát nước Hà Nội mở cửa xả hơn 1 triệu mét khối nước từ Hồ Tây ra sông Tô Lịch, để đưa mực nước Hồ Tây xuống mức bình thường. Trên thực tế, đúng như dự báo vào chiều tối 15/7 đã diễn ra trận mưa lớn trên địa bàn Hà Nội làm mực nước sông dâng cao và chảy mạnh. 

Do việc hoàn thành công tác giữ mực nước của Hồ Tây, đảm bảo khả năng điều hòa nên mưa ngày 15/7, lưu vực Hồ Tây không xảy ra úng ngập.

Mới đây Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đã gửi Công văn tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội, xin phép lùi thời gian công bố kết quả thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản và Redoxy3C của Đức thêm 2 tháng tới ngày 17/9/2019.

Đừng biến sông Tô Lịch thành 'mương luân chuyển' nước thải - Ảnh 3.

Khu vực thí nghiệm được cho là bị ảnh hưởng vì nước được xả từ hồ Tây vào.

Lý do mà Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đưa ra bởi Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã xả khoảng 1,5 triệu m3 nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch, nơi có khu thí điểm làm sạch nên toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các thiết bị kích hoạt trong vòng gần 2 tháng đã bị cuốn trôi.

Không biến sông Tô Lịch thành chức năng vận chuyển nước thải

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc các chuyên gia Nhật Bản triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật là điều đáng mừng, cần phải hoan nghênh và đánh giá cao.

Đừng biến sông Tô Lịch thành 'mương luân chuyển' nước thải - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, cần phải có thời gian để đánh giá công nghệ này có áp dụng được trên thực tế hay không. Theo Bộ trưởng Hà, sẽ có 3 chỉ tiêu cần đánh giá là: Công nghệ, môi trường có cải thiện và chi phí thực hiện.

“Tôi cho rằng, việc đánh giá cần phải đi liền với khâu hết sức quan trọng là kiểm soát và xử lý tại nguồn. Hiện người Nhật mới chỉ thử nghiệm trên 1 đoạn. Vì vậy, quan điểm là chúng ta phải kiểm soát từ nguồn, xử lý từ nguồn chứ không thể biến dòng sông thành nơi luân chuyển nước thải”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Chiến (chuyên gia đầu ngành về công trình thủy và thủy lợi, nguyên Chủ nhiệm khoa Công trình thủy lợi - Trường Đại học Thủy lợi) cho biết: "Công nghệ đang thí nghiệm ở sông Tô chỉ là cục bộ, tạm thời. Bởi nguồn ô nhiễm ở sông Tô Lịch vẫn là việc nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra sông 24/24h, nên muốn giải quyết triệt để phải xử lý tận gốc nguồn nước thải này. Chúng ta vẫn cần phải có giải pháp căn cơ cho việc xử lý ô nhiễm ở con sông này”.

Đừng biến sông Tô Lịch thành 'mương luân chuyển' nước thải - Ảnh 5.

GS.TS Nguyễn Chiến (nguyên Chủ nhiệm khoa Công trình thủy lợi - Trường Đại học Thủy Lợi).

Theo GS.TS Nguyễn Chiến nếu làm sống lại sông Tô Lịch thì cần thống nhất phương án làm lâu dài và cần làm theo 4 bước: “Đầu tiên cần gom nước thải sinh hoạt theo đường đi riêng vào các nhà máy xử lý để làm sạch mới cho ra sông, tiếp đến là dùng công nghệ xử lý ban đầu lòng sông, thứ 3 là tạo ra dòng chảy thường xuyên và bước cuối cùng là tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân để giữ gìn môi trường bằng cách không xả rác, chất thải ra sông Tô Lịch nữa”.

GS.TS Nguyễn Chiến cho biết thêm: “Các phương án đang được thí nghiệm chẳng qua chỉ là xử lý lần đầu lòng sông có lớp bùn đang ô nhiễm và hôi thối chứ nếu đã thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt và tạo dòng chảy, xử lý ô nhiễm ban đầu rồi thì không cần công nghệ xử lý thường xuyên nữa. Vì vậy công nghệ đang thí nghiệm sẽ phù hợp hơn khi xử lý các hồ chứa với mực nước tĩnh”.

Cần kết hợp các giải pháp để hồi sinh sông Tô Lịch.

Mới đây, Công ty Thoát nước Hà Nội vừa trình thành phố phương án cải tạo sông Tô Lịch. Theo đó, một “siêu” trạm bơm ngầm được đặt trong lòng đất để bơm nước từ sông Hồng vào hồ Tây, sau đó tạo dòng chảy xuôi cho sông Tô Lịch. Khi có dòng chảy, sông Tô Lịch không những được hồi sinh mà còn có thể đi thuyền tại đây.

Đừng biến sông Tô Lịch thành 'mương luân chuyển' nước thải - Ảnh 6.

Nước chảy vào sông Tô Lịch sau khi xả từ cống ở hồ Tây vào 9h sáng ngày 9/7.

Lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, các đợt xả nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch đã tạo thành dòng chảy mạnh cho sông, đặc biệt trong những ngày xả nước, sông trở nên trong xanh, không còn màu đen kịt, bốc mùi hôi như trước đó. 

Do vậy, việc triển khai đề án trên để đảm bảo môi trường nước hồ Tây và tạo dòng chảy tự nhiên cho sông Tô Lịch là hoàn toàn khả thi.

Nói về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Chiến cho rằng việc làm sống lại sông Tô Lịch, sông Đáy và sông Tích...rất cần thiết và đã từng có đề xuất lấy nước trực tiếp từ sông Đà chảy qua sông Tích và sông Đáy chảy rồi cho vào sông Tô Lịch cũng là 1 phương án để cân nhắc hay gần đây có đề xuất bơm nước từ sông Hồng vào hồ Tây qua đoạn An Dương rồi cho chảy vào sông Tô Lịch...

“Trước kia Việt Nam rất lo ngại việc phá đê xây cống hay xây trạm bơm ở sông Hồng vì lo an ninh đê điều, tuy nhiên cho đến nay với công nghệ hiện đại thì việc mở cống hay trạm bơm nước lấy nước trực tiếp từ sông Hồng vào sông Tô Lịch là được rất bình thường như việc hạ đê sông Hồng đoạn Yên Phụ vừa đảm bảo an ninh đê điều lại vừa cải thiện cảnh quan và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên chúng ta cần tính toán kĩ về chi phí”, GS.TS Nguyễn Chiến cho hay.

GS.TS Nguyễn Chiến đề xuất: “Theo tôi chúng ta nên xây dựng theo mô hình cống 2 cửa giúp lấy nước vào rửa trôi vào tạo dòng chảy để vừa làm giảm ô nhiễm vừa tạo điều kiện để phát triển giao thông thủy. Cụ thể, cửa 1 chuyên bơm nước vào khi sông Hồng khô kiệt, cửa 2 được mở lấy nước nước tự do khi sông Hồng có mực nước lên cao tạo dòng chảy đối lưu cho sông Tô Lịch”.

Đừng biến sông Tô Lịch thành 'mương luân chuyển' nước thải - Ảnh 7.

Giáo sư Mai Đình Yên (chuyên gia về môi trường nước, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam). Ảnh T.A.

Trong khi đó, theo Giáo sư Mai Đình Yên (chuyên gia về môi trường nước, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam) đặt ra những câu hỏi: “Trước khi giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch thì phải xem sông ô nhiễm đến đâu; mục đích là làm sạch nước hay còn phát triển du lịch, giao thông đường thủy; sông Tô Lịch làm thì sông Sét, sông Kim Ngưu có làm không; phải điều tra lại sông Tô Lịch có đúng là 280 cống mương chảy vào hay không; điều tra lại số dân quanh sông; theo dõi mực nước lên xuống của sông,…”.

Đừng biến sông Tô Lịch thành 'mương luân chuyển' nước thải - Ảnh 8.

Các cống nước thải sinh hoạt 2 bên bờ sông Tô Lịch được xả ra 24/24h.

PGS. TS Trần Đức Hạ (Viện trưởng Viện Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam) cho rằng: “Đề xuất lấy nước sông Hồng vào sông Tô Lịch là phù hợp với quy hoạch của thành phố. Việc làm này có thể cứu được một dòng sông, còn cái mất duy nhất đó là mất tiền”.

Tuy nhiên PGS. TS Trần Đức Hạ lo ngại: “Quy hoạch thoát nước Hà Nội đã có nhưng từ quy hoạch đến triển khai dự án còn rất nhiều vấn đề, từ kinh phí, thủ tục và vị trí đặt trạm bơm ở đâu…”.

Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường.

Sông Tô Lịch ngày nay có chiều dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì).

Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Hơn 10 năm qua, Hà Nội nhiều lần lên kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch nhưng chưa hiệu quả.

Nguyễn Ngân