Xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch là 'bất khả kháng'
Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản ngày 16/7 đề nghị UBND Hà Nội kéo dài thời hạn thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor thêm hai tháng.
Lý do là "toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các thiết bị kích hoạt trong gần hai tháng trước đã bị cuốn trôi" sau khi Hà Nội xả 1,5 triệu m3 nước từ Hồ Tây vào.
Sông Tô Lịch chuyển màu xanh sau khi hồ Tây xả nước. Video: Tất Định
Phản hồi về thông tin trên, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho rằng việc mở cửa xả nước vào sông là bất khả kháng, bởi Tô Lịch là sông thoát nước của thành phố và điều tiết mực nước cho Hồ Tây, nhất là trong mùa mưa.
Ngày 9/7, mực nước hồ Tây là 5,96 m, vượt mức quy định 0,26-0,36 m. Theo quy trình vận hành, công ty phải xả nước vào sông Tô Lịch để hạ mực nước về mức an toàn, tránh úng ngập.
"Chúng tôi thông báo cho đơn vị thử nghiệm, họ khẳng định trên báo chí là không ảnh hưởng nên mới xả nước. Ngoài ra, thời gian thử nghiệm đúng mùa mưa (tháng 4-10) là chưa hợp lý", một lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội nói.
Vị này cho biết thêm nếu làm sạch được sông Tô Lịch bằng công nghệ của Nhật vẫn cần có nước từ sông Hồng vào Hồ Tây và từ Hồ Tây xả vào để tạo dòng chảy, chứ không dòng sông chỉ có nước chết và nước thải.
Khu vực thí điểm làm sạch sông Tô Lịch sau khi hồ Tây xả nước. Ảnh: Tất Định
Ngày 18/7, tiến sĩ Takeba Akira, cố vấn Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, cho biết trước khi thí điểm, các chuyên gia đã nghiên cứu đánh giá hiện trạng sông, khí hậu khu vực và tính toán đến những trận mưa lớn.
"Chúng tôi hiểu xả nước vào mùa mưa, chống ngập là đương nhiên, theo đúng quy trình của thành phố và không đổ lỗi cho đơn vị nào. Tuy nhiên, chúng tôi đã không được thông báo rõ về việc xả 1,5 triệu m3 nước", ông Takeba Akira nói.
Theo chuyên gia Nhật Bản, xả 1,5 triệu m3 là cao gấp 10 lần lượng nước thải/ngày đêm từ 280 cống chảy vào sông Tô Lịch.
"Lượng xả quá lớn nhưng lại chỉ chảy vào khu xử lý từ một cửa xả đầu nguồn. Điều này đã vượt quá sự chuẩn bị ban đầu. Hiện chúng tôi đã điều chỉnh cấu trúc vật liệu để đảm bảo vi sinh vật có lợi không bị cuốn trôi khi gặp lượng nước xả lớn hơn thế", ông nói.
Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường.
Sông Tô Lịch ngày nay dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa cống, xả khoảng 150.000 m3 nước thải ngày đêm.
Ngày 16/5, thành phố Hà Nội đã khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor. Thời gian thí điểm dự kiến kéo dài đến ngày 17/7 nhưng phía Nhật Bản đã gửi công văn xin lùi thời hạn đến ngày 17/9.
10 năm qua, thành phố Hà Nội đã nhiều lần lên kế hoạch làm sạch con sông nhưng chưa thành công.