Đừng bắt doanh nghiệp ‘vắt chân lên cổ’ chạy vạy
Dẫn đầu đoàn làm việc với Bộ Công Thương về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, sáng 22/9, Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, khen ngợi Bộ Công Thương tiên phong, đi đầu trong 3 vấn đề: sắp xếp lại bộ máy, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh và bỏ 420 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương được Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đổi mới, cải cách, đặc biệt trong tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra Bộ Công Thương, sáng 22/9. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Từ lời "kêu cứu" của doanh nghiệp
Từ 1/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trực tiếp đứng tên trên Hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến của doanh nghiệp tại địa chỉ doanhnghiep.chinhphu.vn trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Bộ Công Thương đã làm tốt việc trả lời, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề.
Tổ trưởng Tổ công tác nêu ví dụ là kiến nghị của Công ty cổ phần Dịch vụ viễn thông TNT: “Chúng tôi khẩn thiết mong Chính phủ quan tâm đến các vấn đề này để doanh nghiệp bớt khổ. Hiện nay chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề đối với thủ tục nhập khẩu thiết bị viễn thông.
Đối với các thiết bị phải xin giấy phép nhập khẩu thì khi thông quan yêu cầu phải có giấy phép, muốn có giấy phép phải có hợp quy, muốn hợp quy phải đưa thiết bị về đơn vị chuyên môn đo kiểm, do đó lại phải xin giấy phép tạm nhập để đo kiểm từ Bộ Công Thương nhanh thì mất 1 tuần, đưa thiết bị về đo kiểm nhanh mất 10 ngày, xin hợp quy mất 10 ngày nếu nhanh, xin giấy phép mất 10 ngày nếu nhanh. Trong khi Hải quan yêu cầu tối đa 30 ngày phải nộp giấy phép.
Doanh nghiệp đều phải chạy “vắt chân lên cổ” và phải chạy vạy may ra mới kịp vì chỉ sai hay thiếu 1 giấy tờ gì là mất thêm vài ngày. Kính mong Chính phủ xem xét và đề nghị các cơ quan ban ngành phối hợp đưa ra phương án tối ưu giúp doanh nghiệp”.
Về kiến nghị này, Bộ Công Thương đã trả lời nhưng chưa thuyết phục được doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong năm 2016, có 110.000 doanh nghiệp thành lập nhưng số doanh nghiệp “nhập viện” cũng rất lớn. “Con số thành lập doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa nếu số doanh nghiệp “đau ốm” nhiều. Đây là tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của Thủ tướng”, Bộ trưởng phát biểu.
Một năm qua, thủ tục vẫn chưa được bãi bỏ
Tại buổi kiểm tra, đại diện các bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội và các chuyên gia đều đánh giá rất cao việc Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định phê duyệt phương án cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tức là cắt giảm 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của Bộ và tương đương khoảng 1/8 tổng số điều kiện kinh doanh của cả nước.
“Kết quả này gây sửng sốt, cho thấy nỗ lực và quyết tâm rất mạnh của Bộ”, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định. Thế nhưng hàng loạt tồn tại cũng được nêu ra. Theo TS Trần Đình Thiên, cần tiếp tục xem lại các điều kiện kinh doanh để bãi bỏ.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may đặt vấn đề, tại sao doanh nghiệp may quân phục cho nước ngoài vẫn phải cần có “xác nhận của nơi sử dụng cuối cùng”. Điều này gây khó cho doanh nghiệp, bởi nhiều khi doanh nghiệp chỉ nhận đơn hàng từ bên trung gian.
Doanh nghiệp cũng phàn nàn về quy định với các nguyên liệu “đầu thừa đuôi thẹo” trong gia công may mặc, doanh nghiệp buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy, nếu sử dụng sẽ bị đánh thuế.
“Tiêu hủy rất tốn kém, lại gây khói bụi. Trong khi doanh nghiệp có thể tận dụng may quần áo trẻ em hoặc như trước kia là làm ruột gối”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu nhận xét và đề nghị Tổng cục Hải quan xem lại vấn đề này.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong khi đó, Hiệp hội Gas phản ánh rằng Bộ Công Thương đã tuyên bố bỏ thủ tục xác nhận khai báo hóa chất, nhưng 1 năm đã qua vẫn không thực hiện. Hiện mọi lô hàng khí hóa lỏng đều phải qua thủ tục này.
“Doanh nghiệp phải lên Cục Hóa chất 2 lần chỉ để được xác nhận đã khai báo, theo quy định của Bộ Công Thương mất 7 ngày. Nhưng Hải quan thì quy định phải xuất trình ngay giấy xác nhận. Mà doanh nghiệp chỉ có 24 tiếng để dỡ hàng, nếu chậm thì tàu 1.000 tấn sẽ bị chủ tàu phạt từ 6 nghìn đến 9 nghìn USD một ngày, vậy đợi 7 ngày là bao nhiêu?’, đại diện Hiệp hội Gas đặt câu hỏi.
Bà Nguyễn Minh Thảo từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết nhiều văn bản Bộ đã sửa đổi rất tốt, nhưng doanh nghiệp vẫn khó. Như Bộ đã bỏ thủ tục dán nhãn năng lượng với máy móc, thiết bị, song doanh nghiệp trên thực tế vẫn phải có số tiếp nhận mới được lưu hành sản phẩm. Thủ tục khai báo hóa chất được công bố bãi bỏ đã gần 1 năm nhưng nay vẫn còn. Thủ tục kiểm tra hiệu suất năng lượng cũng rất khó khăn.
Đề nghị ủng hộ lãnh đạo Bộ Công Thương
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định việc cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh và bãi bỏ các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành không phải là quyết định “qua một đêm” mà là kết quả của cả một quá trình rà soát từ đầu nhiệm kỳ; “cũng không phải là để gây ấn tượng”. Bộ trưởng cam kết sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, quyết tâm tiếp tục đổi mới, cải cách; đổng thời vẫn phải bảo đảm quản lý nhà nước. |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhắc lại cách đây một năm, Tổ công tác đã làm việc với Bộ Công Thương và truyền đạt ý kiến Thủ tướng “giao nhiệm vụ lớn nhất cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là tái cơ cấu Bộ Công Thương”. Đến nay, với tinh thần cách mạng, Bộ trưởng đã tiên phong thực hiện yêu cầu này.
Đối với việc cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã thực hiện 8 trong 10 nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2026 của Thủ tướng. Việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh và cắt giảm 420 mặt hàng phải kiểm tra trước khi thông quan mang tính cách mạng và là kết quả của một quá trình rà soát kỹ lưỡng.
“Tổ công tác kiểm tra nhằm đốc thúc Bộ Công Thương quyết liệt hơn. Không kiểm tra thì có khi chưa ban hành ngay ngày hôm qua, 21/9 đâu”, Tổ trưởng Tổ công tác nhận định và biểu dương những cải cách khác của Bộ Công Thương như bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, bãi bỏ quy định kiểm tra formaldehyt với sản phẩm dệt may… khiến các doanh nghiệp cực kỳ phấn khởi.
Trong thời gian tới, Bộ cần lưu ý tập trung tiếp tục rà soát danh mục các mặt hàng còn chồng chéo trong kiểm tra giữa các Bộ. Hướng tới đây là sẽ báo cáo Thủ tướng để 1 mặt hàng chỉ giao 1 bộ chủ trì. Bộ cũng cần phối hợp với Bộ Y tế để sửa đổi Nghị định 38 về an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, thu hẹp nhất danh mục hàng hóa phải kiểm tra ngành, giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra tại khâu thông quan. Thay đổi phương thức kiểm tra, đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm.
Thứ ba, tăng cường đẩy mạnh việc công nhận kết quả kiểm tra, chất lượng của các nước phát triển, các mặt hàng chất lượng cao… Như với kiểm tra hiệu suất năng lượng, sau khi đã kiểm tra thì có thể công nhận các sản phẩm khác cùng của nhà sản xuất đó. “Doanh nghiệp đang rất băn khoăn về việc phải vừa kiểm tra chất lượng, vừa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng, nếu bỏ được thủ tục gì thì nên bỏ luôn”, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu.
Thứ tư, tiếp tục gắn mã HS cho các mặt hàng thuộc nhóm 2 (có khả năng gây mất an toàn) để thuận lợi cho doanh nghiệp, dù Hải quan đã đánh giá Bộ Công Thương là bộ đã làm tốt nhất việc này thời gian qua. Bộ cũng cần chủ trì, đôn đốc các bộ ban hành danh mục hàng hóa kèm mã HS.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, tiếp tục ban hành các quy chuẩn kỹ thuật với hàng hóa. Áp dụng kiểm tra giảm với các mặt hàng đã nhiều lần đạt yêu cầu. Trước đó, Bộ Y tế đã công bố doanh nghiệp đã đạt 3 lần kiểm tra an toàn thực phẩm thì từ lần thứ 4 không cần kiểm tra nữa.
Bộ Công Thương cũng cần chủ trì cùng với các Bộ rà soát lại một số chứng từ kiểm tra chuyên ngành tuy có tên gọi khác nhau nhưng có cùng bản chất để giảm thủ tục, hồ sơ cho doanh nghiệp.
“Khi chúng tôi kiểm tra ở Hải Phòng, doanh nghiệp nói Hải quan quy định thời gian làm thủ tục với hàng xuất khẩu 50 giờ, nhập khẩu 70 giờ, nhưng kiểm tra chuyên ngành trung bình tới 10 ngày và có khi vài tháng. Doanh nghiệp nộp hồ sơ, thiếu chút giấy tờ, lên bổ sung thì lại tính thời gian từ đầu. Ba, bốn lần như thế mất 45, 60 ngày, vậy là chết rồi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu thực tế.
“Bộ Công Thương đã đi tiên phong trong nói và làm, hành động cụ thể để cải cách. Chúng ta không nên nghĩ rằng Bộ làm để đối phó, bởi nếu làm không tốt thì Văn phòng Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ nhận được kiến nghị ngay của doanh nghiệp. Đề nghị các Bộ ủng hộ Bộ Công Thương, các vụ, cục cũng ủng hộ lãnh đạo Bộ để chúng ta cùng cải cách mạnh mẽ vì mục tiêu chung”, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị.
Nhiều rủi ro trong bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do Trung tâm Thông ... |
Bộ Công Thương giảm kỷ lục 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh Ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn ... |
Doanh nghiệp FDI 'đột ngột thua lỗ' sẽ bị thanh tra thuế Lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường thanh kiểm tra với các doanh nghiệp có rủi ro cao ... |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/