Nhiều rủi ro trong bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hầu hết các DNVVN đều rất khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng do không có tài sản thế chấp. ảnh: H.Anh |
Năng lực hạn chế
Được biết, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg về quy chế bảo lãnh cho DNNVV vay vốn ngân hàng thương mại (NHTM). Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg về quy chế thành lập, tổ chức, hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đến nay, cả nước chỉ có 27 Quỹ được thành lập với mục tiêu là cầu nối giữa ngân hàng và các DN, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV cũng như hoạt động bảo lãnh của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) thời gian qua chưa được đánh giá cao.
TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng mục tiêu giúp DNNVV, nhất là các DN không có tài sản bảo đảm, tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn đến nay chưa đạt được.
Cụ thể, TS. Đặng Đức Anh cho biết, cả nước hiện có 27 quỹ bảo lãnh tín dụng, nhưng nhiều quỹ có năng lực hạn chế, vốn thấp (không đạt mức tối thiểu 30 tỷ đồng), chủ yếu do ngân sách địa phương góp, tổ chức tín dụng có tham gia góp vốn nhưng ở mức khiêm tốn do quỹ hoạt động phi lợi nhuận, trong khi đó ngân hàng hoạt động vì lợi nhuận.
Dẫn kết quả báo cáo khảo sát về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, TS. Đặng Đức Anh cho biết, tổng vốn điều lệ của 27 quỹ bảo lãnh tín dụng ước khoảng 1.462 tỷ đồng, trong đó vốn NSNN cấp là 1.318 tỷ đồng, vốn góp của các tổ chức cá nhân theo quy định là 143 tỷ đồng. Luỹ kế doanh số bảo lãnh của các quỹ bảo lãnh tín dụng từ năm 2002 đến 30/6/2016 ước khoảng trên 4.161 tỷ đồng. Tổng số tiền các quỹ bảo lãnh tín dụng đã phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho DNNVV ước khoảng 361 tỷ đồng.
Hiệu quả hoạt động của các quỹ cũng như hoạt động bảo lãnh của VDB chưa được đánh giá cao do nguồn vốn còn hạn chế, quy mô nhỏ, chưa thực sự hỗ trợ cho DN, cán bộ quỹ còn thiếu kinh nghiệm quản lý và kinh nghiệm thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng.
Về nguyên nhân dẫn đến hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng kém hiệu quả, TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh nguyên nhân về cơ chế thành lập ở chỗ chưa khuyến khích các ngân hàng thương mại và DN tham gia bảo lãnh tín dụng.
Bên cạnh đó, điều kiện bảo lãnh, phạm vi bảo lãnh, biện pháp đảm bảo cho hoạt động bảo lãnh tín dụng, mức phí bảo lãnh còn cứng nhắc trong việc áp dụng, đặc biệt là việc chấp thuận đối với tài sản đảm bảo của bên thứ 3 hay hợp đồng sản xuất, hợp đồng bán hàng hóa; quy định cơ chế trách nhiệm không rõ ràng…
Trên thực tế hoạt động đã phát sinh nhiều vướng mắc khiến mục tiêu hoạt động của các quỹ bảo lãnh không đạt được, như việc phối hợp giữa quỹ bảo lãnh tín dụng và ngân hàng thương mại còn kém hiệu quả, mức độ tin tưởng vào khả năng thẩm định khách hàng của các quỹ còn hạn chế. Từ những hạn chế trên, hầu hết các DNVVN đều rất khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng do không có tài sản thế chấp.
Rất nhiều rủi ro
Việc bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng gặp nhiều khó khăn. Theo bà Hoàng Thị Nhị, Trưởng ban bảo lãnh VDB, nhiệm vụ đặt ra cho VDB bảo lãnh tín dụng cho DNNVV nhưng lại không cấp nguồn cho đơn vị này thực hiện, trong khi đó hoạt động của VDB còn đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, quy trình thẩm định dự án đầu tư của VDB và các ngân hàng thương mại chưa thống nhất nguyên tắc phối hợp, điều kiện, trình tự thủ tục…
Bà Nhị cho biết, tại VDB, chỉ trong 2 năm 2008-2010, VDB đã cấp gần 2.000 thông báo bảo lãnh cho DN, trên cơ sở đó, các NHTM đã phát thành gần 1.356 chứng thư bảo lãnh tương đương gần 10.000 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến nay việc bảo lãnh tín dụng này không được thực hiện.
Khẳng định bảo lãnh tín dụng cho DNNVV rất rủi ro, bà Nhị thông tin, thời gian qua , VDB phải trả nợ thay cho DNNVV là 81 chứng thư với số tiền tương đương 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng số tiền mà VDB đứng ra bảo lãnh trong thời kỳ trước. Hiện nay vẫn còn 77 chứng thư còn tồn lại tương ứng với 600 tỷ đồng tiền bảo lãnh, cộng với 300 tỷ đồng tiền lãi, nghĩa là còn khoảng 900 tỷ đồng tại các ngân hàng thương mại mà VDB nhiều khả năng phải trả nợ thay.
Tổng cộng VDB phải trả nợ thay khoảng 2.000 tỷ đồng, tương đương 20% tổng tiền bảo lãnh của 2.000 chứng thư bảo lãnh đã phát hành. Theo bà Nhị, điều này dẫn tới sự tranh chấp giữa VDB và các ngân hàng thương mại. Theo đó có 31 vụ kiện đã xảy ra, trong đó có vụ ngân hàng thương mại kiện VDB không trả nợ thay hoặc kiện DN vì không thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Việc các quỹ bảo lãnh tín dụng phải trả 100% phần cam kết bảo lãnh chính là nguyên nhân hàng đầu khiến bảo lãnh tín dụng thời gian qua không hiệu quả, bà Nhị khẳng định. Theo đó, đại diện VDB đề xuất cần có cơ chế chia sẻ rủi ro trong hoạt động bảo lãnh tín dụng, cụ thể là các quỹ bảo lãnh tín dụng chỉ phải chịu trách nhiệm khoảng 50-70% nhu cầu vốn cho DN, phần còn lại sẽ do phía ngân hàng thương mại đảm trách.
Để Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV phát huy hiệu quả, TS. Đặng Đức Anh đề xuất, cần phải tạo ra cơ chế bảo lãnh tương trợ thí điểm (với sự tham gia của hiệp hội), thiết lập các điều kiện khung và hỗ trợ trong thời gian đầu, thúc đẩy sự tham gia của tư nhân vào hệ thống bảo lãnh này và dần chuyển giao hệ thống cho DN tư nhân; phạm vi bảo lãnh có thể được điều chỉnh thành bảo lãnh tối đa 80% khoản vay của DNNVV tại tổ chức tín dụng…
Chuyên gia này cũng đề xuất cần tạo trách nhiệm chia sẻ rủi ro cho cả các quỹ BLTD và các NHTM với tỷ lệ tương ứng 80% và 20%. Với cơ chế này, khi chịu trách nhiệm về khoản vay được bảo lãnh, các ngân hàng thương mại sẽ tăng trách nhiệm kiểm tra, giám sát cho vay và xử lý thu hồi nợ.
Đến khi nào DNNVV mới xa rời 'bà đỡ'? Trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu vào sân chơi thương mại toàn cầu thì câu chuyện các DNNVV phải dần rời bà đỡ ... |
Hợp tác xã có thể được bảo lãnh 100% giá trị khoản vay Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã có thể cấp bảo lãnh tối đa 100% giá trị khoản vay của bên được bảo lãnh ... |
Hỗ trợ tín dụng gây tranh luận Chiều 27-3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quy ... |