Đức Long Gia Lai tăng lỗ thêm 35 tỉ đồng sau soát xét
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) đã công bố báo cáo tài chính bán niên được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán AAC.
Sau soát xét, chỉ tiêu giá vốn có sự điều chỉnh tăng nhẹ 4 tỉ đồng kéo theo lợi nhuận gộp giảm còn 141 tỉ đồng.
Doanh thu tài chính tăng 9% sau soát xét. Khoản chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay tăng 11% lên 214 tỉ đồng và "ăn mòn" hết lợi nhuận gộp.
Chi phí tài chính tăng do các dự án đang tạm dừng thi công trong đầu năm 2020 nên lãi vay phát sinh trong kì không được vốn hoá mà phải điều chỉnh sang chi phí lãi vay và các công ty con ghi nhận tăng chi phí này sau soát xét.
Chỉ tiêu chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn tại tăng 8 tỉ lên hơn 14 tỉ đồng sau soát xét do việc loại trừ khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính công ty mẹ vào công ty con và khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi trích lập tại các công ty con tăng trong nửa đầu năm sau soát xét.
Các chi phí gia tăng khiến khoản lỗ sau thuế của DLG tăng thêm 35 tỉ đồng lên 296 tỉ đồng. Tổng lỗ luỹ của của DLG tại ngày 30/6 hơn 245 tỉ đồng.
Gần 2.500 tỉ đồng cho vay không tài sản đảm bảo
Tại ngày 30/6, công ty đã cho một số cá nhân, tổ chức vay 2.487 tỉ đồng, chiếm gần 30% tổng tài sản và các khoản vay này không hề có tài sản đảm bảo.
Trong đó, DLG cho bà Võ Thị Thu Hằng vay ngắn hạn 102 tỉ đồng với lãi suất 7%/năm. Khoản vay dài hạn với lãi suất 11,8% cho hai cá nhân khác gồm Vũ Văn Tin 206 tỉ và ông Huỳnh Quốc Bình 181,5 tỉ đồng.
Liên quan tới việc công ty cho các bên vay tiền tới hàng nghìn tỉ đồng mà không có tài sản đảm bảo, lãnh đạo công ty đã trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ 2020 rằng việc phát sinh vay nợ trong quá trình sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp là hoạt động bình thường. Tất cả các khoản công nợ này đều rất minh bạch và công khai, được tính lãi cụ thể và thể hiện trên báo cáo tài chính.
Công ty đang có kế hoạch sẽ thu hồi các khoản nợ này trong thời gian tới để đầu tư vào các dự án, thực hiện M&A các công ty trong chiến lược phát triển và tái cấu trúc của DLG.
Tại ngày 30/6, tổng nợ đi vay của DLG là 3.718 tỉ đồng, gấp 1,2 lần vốn chủ sở hữu. Khoản vay dài hạn đến hạn trả cho ngân hàng tại ngày 30/6 là hơn 513 tỉ đồng cùng với 378 tỉ đồng trái phiếu phát hành đến hạn trả.
Phía kiểm toán cho biết hết quí II, Tập đoàn chưa thanh toán hầu hết các khoản đi vay đã quá hạn cho ngân hàng và trái chủ.
Các vấn đề nêu trên được kiểm toán nhận định cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Theo đó, khả năng hoạt động của DLG phụ thuộc vào hoạt động có lãi trong tương lại và/hoặc kết quả thoả thuận với các chủ nợ về việc gia hạn/cơ cấu lại nợ gốc, nợ lãi, giảm lãi để đảm bảo Tập đoàn có đủ nguồn lực tiếp tục hoạt động bình thường trong các năm tiếp theo.
Phía DLG cho biết đang làm việc với ngân hàng, chủ nợ để cơ cấu lại nợ gốc vay, giảm lãi vay, tìm kiếm các nguồn vốn tín dụng mới nhằm đảm bảo cho Tập đoàn có đủ nguồn lực tiếp tục hoạt động bình thường thời gian tới.
Đồng thời, HĐQT và ban điều hành đã xây dựng chiến lược kinh doanh mới và có phương án tái cơ cấu các lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn.
Do đó, DLG cho biết việc lập báo cáo tài chính trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục là hợp lí.