Ngân hàng nào là chủ nợ lớn nhất của Đức Long Gia Lai?
Theo báo cáo soát xét bán niên 2023 của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG), tại ngày 30/6, quy mô nguồn vốn của doanh nghiệp là 5.702 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ vay của DLG là 2.947 tỷ đồng, chiếm hơn nửa nguồn vốn, gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu và chủ yếu được tài trợ qua kênh ngân hàng.
Nợ vay của doanh nghiệp ghi nhận 1.172 tỷ vay ngắn hạn cuối quý II và tại thời điểm này, Đức Long Gia Lai chưa thanh toán khoản nợ ngắn hạn với số tiền 1.035 tỷ đồng.
Còn 1.175 tỷ vay dài hạn chủ yếu để đáp ứng nhu cầu vốn tài trợ cho các dự án cao tốc, thuỷ điện, dự án trồng cao su. Doanh nghiệp thông tin tại ngày 30/6 không có khoản vay dài hạn nào quá hạn thanh toán.
Nửa đầu năm nay, Đức Long Gia Lai đi chỉ đi vay 22 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 47 tỷ đồng. Trong năm 2022, doanh nghiệp không đi vay thêm tiền mà chỉ trả nợ gốc vay 217 tỷ.
Cuối quý II, chủ nợ lớn nhất của Đức Long Gia Lai là ngân hàng BIDV với tổng dư nợ 2.224 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn với BIDV là 788 tỷ, với 477 tỷ là dư nợ trái phiếu. Doanh nghiệp chưa thanh toán phần lớn khoản vay của BIDV.
Cụ thể, khoản trái phiếu 360 tỷ đã đáo hạn từ cuối năm 2019, lô trái phiếu khác 117 tỷ đã đáo hạn từ cuối 2022 hoặc một hợp đồng tín dụng khác 176 tỷ đã đáo hạn từ 31/8/2018,...
Bên cạnh đó, Đức Long Gia Lai còn 1.436 tỷ vay dài hạn của BIDV. Tài sản thế chấp các khoản vay của Đức Long Gia Lai tại BIDV chủ yếu là các tài sản cố định, dự án BOT,...
Chủ nợ lớn thứ hai của Đức Long Gia Lai là VietinBank với tổng dư nợ 501 tỷ gồm 121 tỷ vay ngắn hạn và 380 tỷ vay dài hạn. Tài sản thế chấp tại VietinBank là toàn bộ quyền khai thác, thu phí các trạm thu phí đoạn Km 817 - Km 887 trên quốc lộ 14 tỉnh Đắk Nông cùng các tài sản khác phát sinh từ ưu đãi đầu tư theo hợp đồng BOT.
Ngoài ra, Đức Long Gia Lai cũng vay ngắn hạn 233 tỷ từ ngân hàng Sacombank. Trong đó, khoản vay 178 tỷ được bảo lãnh bởi ông Bùi Pháp - Chủ tịch HĐQT và tài sản hữu hình của công ty. Còn khoản vay 55 tỷ có khoản thế chấp là toàn bộ tài sản đầu tư xây dựng gắn liền với đất và các hệ thống máy móc, trang thiết bị gắn liền với công trình xây dựng hình thành từ vốn vay.
Doanh nghiệp cũng vay một lượng tiền không đáng kể, chỉ chưa tới 30 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân.
Tại ngày 30/6, Đức Long Gia Lai lỗ luỹ kế 2.042 tỷ đồng, khoản nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 1.224 tỷ. Tập đoàn cho biết đã có kế hoạch thanh lý, nhượng bán tài sản đảm để có dòng tiền trả nợ ngân hàng trong giai đoạn 2023 - 2025.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt (Vietvalues) cho biết chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định giá trị của tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh tại ngày 30/6.
Do đó, phía kiểm toán cho rằng chưa thể xác định được giá trị của các tài sản này có phù hợp với kế hoạch trả nợ của công ty hay không. Vietvalues đánh giá điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai. Trước đó, phía kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ trên trong nhiều kỳ.
Như đã đưa tin trước đó, ngày 9/10, Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã ra quyết định mở thủ tục phá sản với Đức Long Gia Lai theo yêu cầu của chủ nợ - CTCP Lilama 45.3 (Mã: L43).
Ngày 12/10, phía Đức Long Gia Lai đã gửi đơn khiếu nại tới Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai về quyết định trên và đề nghị Toá án thu hồi quyết định mở thủ tục phá sản hoặc ra quyết định đình chỉ mở thủ tục phá sản ngày 9/10.
Doanh nghiệp nhận định "số nợ của Công ty Cổ phần Lilama 45.3 là rất nhỏ so với tổng tài sản của Đức Long Gia Lai".
"Hiện nay, công ty chúng tôi đang thực hiện việc trả nợ dần cho Lilama 45.3 theo quyết định thi hành án nên Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai ra quyết định mở thủ tục phá sản là không đúng với quy định", trích từ đơn khiếu nại của Đức Long Gia Lai.
Theo quy định của Luật Phá sản 2014, thứ tự trả nợ khi phá sản được ưu tiên trước hết là chi phí phá sản, sau đó tới những khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động. Tiếp đó mới đến khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và cuối cùng mới đến việc trả các khoản nợ cho các chủ nợ.
Chủ nợ còn được pháp luật chia thành chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm. Thứ tự thanh toán cho chủ nợ có bảo đảm sẽ là trừ vào tài sản bảo đảm, nếu tài sản bảo đảm không đủ thì sẽ tiếp tục trả sau khi đã trả cho chủ nợ không có tài sản bảo đảm.