|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đức lạc quan về mục tiêu tích trữ khí đốt cho mùa Đông

20:14 | 29/08/2022
Chia sẻ
Các kho tích trữ khí đốt của Đức đang được lấp đầy nhanh hơn dự kiến và mốc mục tiêu đạt 85% công suất lưu trữ vào tháng 10/2022 trước đây có thể đạt ngay được vào đầu tháng Chín tới.

Tốc độ tích trữ khí đốt của Đức nhanh hơn dự kiến và tỷ lệ phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga ngày càng giảm trong bối cảnh tập đoàn Gazprom của Nga thông báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt qua hệ thống Nord Stream 1 trong ba ngày cuối tháng Tám này.

Đây là thông báo của Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Robert Habeck với tạp chí Tấm gương (Spiegel) ngày 28/8.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn lời ông Habeck cho hay các kho tích trữ khí đốt của Đức đang được lấp đầy nhanh hơn dự kiến và mốc mục tiêu đạt 85% công suất lưu trữ vào tháng 10/2022 trước đây có thể đạt ngay được vào đầu tháng Chín tới.

Trước đó, Chính phủ Đức đặt mục tiêu đạt 75% lượng khí đốt tích trữ vào ngày 1/9. Con số này tính tới ngày 26/8 đã ở mức 82,2%.

Theo ông Habeck, các công ty cung cấp khí đốt có thể lấy khí đốt trong mùa Đông từ các cơ sở tích trữ để cung cấp cho các ngành công nghiệp và hộ gia đình như kế hoạch.

Theo Bộ Kinh tế Đức, hầu như sẽ không có bất kỳ biến động nào về nguồn cung khí đốt từ Nga trong những tuần tới khi "mùa sưởi ấm" bắt đầu trở lại.

Hầu hết khối lượng nhập khẩu qua đường ống của Nga đã được bù đắp thông qua các kênh khác, trong đó việc mua khí đốt tự nhiên từ Na Uy và Hà Lan cũng như nhập khẩu khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) đã gia tăng đáng kể trong những tháng gần đây.

Do tình trạng sụt giảm và đứt gãy nguồn cung từ Nga, nhà cung cấp năng lượng chính của Đức, Berlin đã phải kích hoạt giai đoạn 2 kế hoạch khẩn cấp về khí đốt (gồm 3 giai đoạn).

Báo Spiegel dẫn số liệu của Hiệp hội Kinh tế năng lượng liên bang Đức (BDEW) cho biết trong tháng 8, lượng khí đốt tiêu thụ ở Đức nhập từ Nga hiện chỉ còn chiếm khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 55% của năm ngoái.

Pháp cũng sẽ là một nguồn cung năng lượng cho Đức.

Cho đến nay, Pháp nhận khí đốt của Nga thông qua Đức, nhưng dòng khí đốt dự kiến sẽ đảo ngược từ mùa Thu sau khi các vấn đề về tổ chức và kỹ thuật hiện đã được giải quyết.

Bằng cách này, các thiết bị đầu cuối LNG ở Pháp cũng có thể được sử dụng để mua khí đốt cho Đức.

Các thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh ngày 19/8, tập đoàn Gazprom thông báo sẽ tạm gián đoạn hoàn toàn nguồn cung khí đốt qua hệ thống đường ống Nord Stream 1 từ ngày 31/8 đến ngày 2/9 để thực hiện công tác bảo trì.