Đưa thịt gà, thịt heo xuất ngoại
TP.HCM sẽ lập sàn giao dịch thịt heo | |
Trung Quốc, niềm hy vọng cho ngành công nghiệp thịt heo Phần Lan |
Hiện nay, Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Loteco, TP.Biên Hòa) đang xuất khẩu thịt gà vào thị trường Nhật Bản với số lượng khoảng 200 tấn/tháng. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là ức và đùi gà được chế biến.
Sẽ có đầu ra ổn định
Thị trường Nhật Bản đón nhận sản phẩm của Công ty TNHH Koyu & Unitek khá tốt và nhu cầu đặt hàng lên đến 300 tấn/tháng. Tuy nhiên, phía công ty này chưa đáp ứng đủ sản lượng, do đó đang tiếp tục mở rộng hợp tác với các trang trại trên địa bàn tỉnh đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng gà trắng.
Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước về tổng đàn heo với quy mô hơn 1,7 triệu con. Trong đó chăn nuôi trang trại đạt gần 70%, các trang trại đều áp dụng quy trình an toàn dịch bệnh, chất lượng heo Đồng Nai được đánh giá cao so với các tỉnh khác. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để thịt heo Đồng Nai có thể đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu. Tuy nhiên, Đồng Nai cần có doanh nghiệp tiên phong trong việc liên kết với các trang trại để xuất khẩu. |
Ông Trần Khánh Huy, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Koyu & Unitek, cho biết: “Sản lượng gà xuất khẩu của công ty mới chỉ đáp ứng được hơn 60% so với hợp đồng. Do đó, công ty phải đang tiếp tục tìm các trang trại đủ điều kiện để hợp tác cung ứng gà thịt để chế biến. Để đáp ứng được sản lượng 300 tấn gà chế biến/tháng theo đúng hợp đồng, công ty cần thêm hơn 125 ngàn con gà thịt/tháng”.
Mặt hàng này thị trường Nhật Bản đánh giá khá tốt nên nếu phía công ty đáp ứng được thì các đơn đặt hàng còn tiếp tục tăng chứ không dừng lại con số 300 tấn/tháng.
Từ năm 2017, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị các thủ tục để xuất khẩu gà sang thị trường Nhật Bản. Theo ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, giá thành của gà trắng nuôi ở Việt Nam hiện nay cũng ngang bằng với nhiều nước có chăn nuôi phát triển và chất lượng tương đối đảm bảo có thể đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu vào những thị trường khó tính.
Sản xuất thịt gà để xuất khẩu tại Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Loteco, TP.Biên Hòa). |
“Công ty đã cơ bản hoàn thành các thủ tục để xuất khẩu gà vào thị trường Nhật Bản. Hiện chỉ chờ hoàn thành nốt một số quy trình kỹ thuật còn lại thì cuối năm 2018 có thể xuất khẩu thịt gà. Sản lượng xuất khẩu năm đầu có thể đạt 2 triệu con/năm” - ông Montri Suwanposri cho hay. Đây thực sự là cơ hội lớn để các trang trại chăn nuôi gà của Đồng Nai có đầu ra ổn định không phải quá lo lắng đến cảnh giá tăng giảm thất thường.
Tuy nhiên, các trang trại gà muốn trở thành vệ tinh của các công ty xuất khẩu buộc đáp ứng được các yêu cầu rất nghiêm ngặt trong chăn nuôi. Theo ông Nguyễn Thanh Phi Long, chủ trang trại gà trắng lớn ở xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom), các trang trại đều rất muốn hợp tác với các công ty cung ứng gà để có đầu ra thuận lợi.
Thế nhưng để trở thành các trang trại cung ứng nguyên liệu cho các công ty xuất khẩu ngoài đòi hỏi gắt gao về quy trình, kỹ thuật nuôi thì đầu tư ban đầu làm chuồng trại nuôi cũng rất lớn, gấp 2 lần đầu tư các trại nuôi bình thường khác. Vì thế các chủ trang trại ngoài có kinh nghiệm chăn nuôi tốt còn phải có tiềm lực về tài chính.
Cơ hội xuất khẩu thịt heo
Hiện nay, phía Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn trong nhập khẩu thịt heo đông lạnh, giá khá tốt. Nếu xuất khẩu được thịt heo đông lạnh theo đường chính ngạch vào thị trường này, người chăn nuôi heo Đồng Nai cũng như cả nước sẽ thoát được những cơn khủng hoảng dài về giá. Nhưng heo xuất khẩu theo đường chính ngạch đòi hỏi quy trình chăn nuôi khắt khe để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, cho biết: “Trung Quốc đang muốn nhập khẩu thịt heo đông lạnh của Việt Nam, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi trong tỉnh có thể hợp tác để đưa thịt heo xuất ngoại. Xuất khẩu được thịt heo sẽ giúp thị trường tránh được tình trạng dư thừa, dẫn đến giá giảm sâu dưới giá thành như gần 2 năm qua”.
Theo phân tích của ông Quang, Đồng Nai là nơi có tổng đàn heo lớn nhất cả nước, gần 70% chăn nuôi theo mô hình trang trại, quy trình chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ có nhiều trang trại được Trung ương cấp phép an toàn dịch bệnh. Nhưng heo muốn xuất khẩu vào Trung Quốc theo đường chính ngạch phải nâng thêm một bước nữa là đạt vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, xuất khẩu heo đông lạnh khá thuận lợi cho việc bảo quản và vận chuyển, đặc biệt không còn lo heo quá lứa chưa bán được.
Trung Quốc là thị trường lớn chỉ cần 2-3 tỉnh nhập khẩu heo đông lạnh của Việt Nam thì người chăn nuôi sẽ có đầu ra ổn định. “Các trang trại rất mong có doanh nghiệp đủ tiềm lực đứng ra làm đầu mối, hợp đồng với các trang trại để xuất khẩu thịt heo. Như vậy, các trang trại không phải lo đầu ra chỉ tập trung vào chăn nuôi sẽ nâng cao được năng suất, chất lượng heo thịt” - ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chia sẻ.