|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đua nhau làm thương hiệu gạo

12:09 | 04/12/2017
Chia sẻ
Thị trường gạo đóng gói có thương hiệu tại VN đang bước vào giai đoạn "trăm hoa đua nở" với rất nhiều công ty đầu tư sản phẩm và kinh doanh.
dua nhau lam thuong hieu gao
Nhiều người nội trợ chọn mua gạo đóng gói có thương hiệu trong siêu thị - Ảnh: QUANG ĐỊNH.

Xu hướng tiêu dùng gạo đóng gói sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới do người tiêu dùng ngày càng lựa chọn các loại gạo có xuất xứ rõ ràng để an tâm hơn về chất lượng.

Nở rộ thương hiệu gạo

Hơn một năm trở lại đây, chị Ngọc Tiên (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) chuyển hẳn sang dùng gạo đóng gói thay cho gạo mua theo ký không bao bì từ một số đại lý gạo gần nhà như trước.

Theo chị Tiên, gạo mua bên ngoài chất lượng không ổn định, cùng một người bán, cùng một loại gạo mà mỗi lần mua lại có chất lượng và hương vị khác nhau. "Quan trọng hơn là tôi lo lắng về chất lượng gạo bán bên ngoài vì không rõ hạt gạo đó từ vùng nào, trồng ra làm sao và có xử lý các hóa chất chống mối chống mọt gì", chị Tiên cho hay.

Cũng như chị Tiên, nhiều bà nội trợ tại các thành phố lớn đã chuyển sang dùng gạo bao gói sẵn có thương hiệu vì yên tâm hơn về nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra mức tiền cao hơn để mua sản phẩm mà họ cho rằng đảm bảo chất lượng hơn cho gia đình.

Nắm bắt được nhu cầu này, trong vài ba năm trở lại đây hàng loạt thương hiệu gạo đóng gói đã liên tục được ra mắt và đưa vào các kênh phân phối. Thị trường gạo thương hiệu của VN đang bước vào giai đoạn "trăm hoa đua nở" với rất nhiều nhà đầu tư ở các cấp độ khác nhau, nhiều phân khúc gạo khác nhau, nhiều kênh phân phối khác nhau.

dua nhau lam thuong hieu gao
Đồ họa: ANH TUẤN.

Nếu như cách đây khoảng 3-4 năm, những công ty xuất khẩu gạo lớn bắt đầu quay về làm thương hiệu gạo trong nước như Gentraco, Agimex, Vinafood 1, Tigifood, Tiền Giang Food, Vinh Phát, Hưng Lâm… thì gần đây thị trường xuất hiện nhiều thương hiệu gạo mới do các công ty nhỏ hơn đầu tư.

Thậm chí một số đại lý phân phối gạo cũng tham gia thị trường bằng cách xây dựng thương hiệu gạo cho riêng mình như Coop mart, Cỏ May, Lộc Thiên Nhiên, Việt Thương… Đa phần các loại gạo đóng gói sẵn nhắm tới đối tượng khách hàng ở khu vực đô thị, thường xuyên mua sắm tại các siêu thị hay cửa hàng thực phẩm hiện đại. Vì vậy, gạo thường đóng gói dạng 1kg, 2kg hoặc 5kg.

Ngoài ra, các thương hiệu gạo mới cũng tích cực tận dụng các kênh phân phối online như website, Facebook… để bán hàng bằng hình thức đặt hàng trực tuyến, giao tận nhà.

Cạnh tranh bằng yếu tố sạch

Khảo sát một vòng các siêu thị hay cửa hàng bán gạo có thương hiệu, điều dễ nhận thấy là các công ty không chỉ tập trung vào việc làm bao bì đẹp, thiết kế bắt mắt mà còn tập trung rất nhiều vào việc truyền thông yếu tố "sạch" đến cho người tiêu dùng.

Đa số các thương hiệu gạo trên thị trường đều khẳng định gạo được sản xuất từ vùng trồng lúa rõ ràng, có truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận an toàn thực phẩm như VietGAP, Global GAP hay Organic (hữu cơ)…

Ông Phạm Hoàng Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Lâm (An Giang) cũng cho biết, chất lượng là yếu tố hàng đầu trong cạnh tranh bán lẻ gạo tại VN ngày nay. Để đảm bảo điều này, các công ty phải đầu tư nhiều vào vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, giống lúa thuần nhất, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm bán ra để giữ chất lượng và đảm bảo uy tín với khách hàng.

Cũng vì yếu tố "sạch, an toàn" mà ngoài các thương hiệu gạo trong nước công ty cũng đã nhập khẩu gạo đặc sản của Campuchia về phân phối tại VN và bước đầu nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.

"Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến nguồn gốc và chất lượng của mặt hàng gạo, chính vì vậy nếu không đầu tư làm thương hiệu gạo với các tiêu chí sạch, minh bạch thì sẽ khó cạnh tranh", ông Lâm chia sẻ.

dua nhau lam thuong hieu gao
Người tiêu dùng chọn mua gạo đóng gói tại siêu thị TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH.

Chị Phạm Thị Nga, chủ đại lý gạo Việt Thương (Q.11, TP.HCM) cho hay, trước đây cửa hàng chỉ bán gạo dưới dạng cân theo nhu cầu của khách hàng nhưng gần đây cũng đã bắt đầu làm thương hiệu gạo riêng dạng đóng gói vì nhu cầu của khách thay đổi. Không những chỉ bao bì mà chất lượng gạo cũng được các công ty và đại lý đầu tư vì đây chính là yếu tố cạnh tranh mạnh nhất trong thị trường gạo đóng gói hiện nay.

Theo chị Nga, ngoài gạo trong nước thì trong hai năm trở lại đây, đại lý này đã nhập thêm gạo từ Campuchia về để bán cho khách hàng trong nước. "Người VN ngày càng chuộng gạo Campuchia vì cho rằng lúa trồng ở Campuchia ít dùng phân thuốc, lại trồng 6 tháng nên chất lượng sẽ tốt hơn nên sẵn sàng trả giá cao hơn để dùng", bà Nga cho hay.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Phó giám đốc Công ty TNHH Lộc Thiên Nhiên (TP.HCM) cho hay, gạo là loại thực phẩm thiết yếu và tiêu dùng hàng ngày, do đó người tiêu dùng rất nhạy cảm với vấn đề an toàn chất lượng.

Vì vậy, để cạnh tranh thành công trong thị trường gạo hiện nay thì cần phải đầu tư cho gạo chất lượng cao từ vùng trồng đến quy trình chăm sóc, xay xát và đóng gói đến tận tay khách hàng. Tiếp đến là yếu tố dinh dưỡng và hương vị.

"Ngoài vấn đề chất lượng thì các loại gạo mà chúng tôi đang bán đều đảm bảo yếu tố tươi ngon. Đây không chỉ là vấn đề câu chữ mà là hành động thực sự. Chúng tôi đầu tư các máy xát gạo mini ngay tại các cửa hàng để xay lúa cho khách hàng. Nhờ vậy, khách hàng sẽ nhận được loại gạo tươi vừa được xát ra từ hạt lúa", ông Thảo cho biết.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch cho rằng, vấn đề thực phẩm bẩn đã làm người tiêu dùng hết sức hoang mang trong thời gian vừa qua. Khách hàng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng từ các nhà sản xuất.

Và để chứng minh cho khách hàng rằng một sản phẩm nào đó là tốt là sạch trước tiên cần phải minh bạch từ khâu sản xuất đến đóng gói và phân phối. Đây sẽ vẫn tiếp tục là xu hướng mà các nhà sản xuất thực phẩm cần lưu ý để đưa thông tin cho người tiêu dùng trong thời gian tới.

Người tiêu dùng đã nhận diện thương hiệu gạo

Đầu tháng 9-2017, Quỹ đầu tư Mekong Capital công bố kết quả của cuộc khảo sát độc lập được do quỹ tài trợ và được thực hiện bởi DecisionLab đã tiến hành khảo sát đo lường chỉ số hài lòng của người tiêu dùng trên 400 nhãn hàng Việt Nam ở 45 danh mục khác nhau như: sản phẩm đóng gói, chuỗi bán lẻ, chuỗi nhà hàng, v.v…

Ở dòng sản phẩm gạo đóng gói, các thương hiệu gạo được người tiêu dùng nhận diện và có chỉ số hài lòng cao là Hạt Ngọc Trời, Vibigaba (đều của tập đoàn Lộc Trời), Cò Trắng (Gentraco), An Gia (Angimex), Vina Food 1, Hồng Hạc (Tigi Food), MT rice (Gạo Minh Tâm), Tigifood (Tiền Giang Food),…


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Trần Mạnh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.