|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Đứa con đầu lòng' ngành phân đạm Việt chính thức lỗ mất vốn, tương lai của nhà máy chục nghìn tỉ sẽ về đâu?

09:25 | 12/08/2019
Chia sẻ
Rót hàng nghìn tỉ đồng đầu tư nhưng việc kinh doanh liên tục chìm trong thua lỗ trong nhiều năm, đến nay Đạm Hà Bắc đã chính thức mất vốn và đang ôm những khoản nợ khổng lồ.

Điệp khúc lỗ vẫn chưa dừng, chính thức mất vốn

Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất bán niên năm 2019 đã được soát xét của Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - Mã: DHB) cho thấy, dù doanh thu thuần nửa đầu năm tăng 2,21% so với cùng kì năm 2018, đạt 1.594 tỉ đồng nhưng công ty vẫn tiếp tục lỗ sau thuế 221 tỉ đồng, tăng hơn 30% so với khoản lỗ cùng năm trước.

Tuy nhiên, con số lỗ khủng trên có thể sẽ chưa dừng lại ở mức công bố nếu như công ty này không điều chỉnh mức trích khấu hao. Cụ thể, báo cáo kiểm toán của hãng AASC nêu rõ trong 2 năm 2018, 2019, Đạm Hà Bắc thực hiện trích khấu hao theo tỉ lệ 50% mức phải trích theo phương pháp đường thẳng, số được giản ghi vào khoản mục "Chi phí trả trước dài hạn".

Như vậy, nếu như tính theo phương pháp khấu hao trước đó của nhà máy, khả năng Đạm Hà Bắc sẽ phải tăng chi phí hấu hao lên gấp đôi từ mức khoảng 158 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019; đồng nghĩa với việc công ty có thể ghi nhận lỗ thêm con số tương ứng. Trong năm 2018, con số khấu hao mà công ty ghi nhận 320 tỉ đồng cũng vậy.

Mặc dù đã điều chỉnh khấu hao để ghi nhận khoản lỗ thấp hơn. Nhưng với con số lỗ 221 tỉ đồng vừa ghi nhận trong 6 tháng đầu năm nay, công ty đã lỗ luỹ kế vượt vốn chủ sở hữu, coi như mất vốn. 

Từ mức lỗ 675 tỉ đồng năm 2015, khoản mục này đã tăng lên thành 2.876 tỉ đồng tại thời điểm kết thúc quí II/2019, lớn hơn cả vốn góp của chủ sở hữu ở mức 2.722 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu của Đạm Hà Bắc đã chính thức âm 109 tỉ đồng.

hdb

Đạm Hà Bắc đã chính thức mất sạch vốn (Nguồn: ST tổng hợp từ BCTC)

Hàng ngàn tỷ nợ vay vẫn treo lơ lửng

Số liệu tổng hợp từ BCTC giai đoạn 2015 - 2019 cho thấy, vay nợ và thuê tài chính của Đạm Hà Bắc luôn duy trì ở mức trên 7.000 tỉ đồng, chiếm tới khoảng 80% trong cơ cấu nguồn vốn. Điều này cũng dễ hiểu khi hoạt động kinh doanh thua lỗ khiến công ty không thể cân đối được nguồn tiền để giảm bớt nợ ngân hàng.

Trong đó, phần lớn là các khoản vay dài hạn với mức dao động từ 6.000 - 7.000 tỉ đồng. Bắt đầu từ năm 2018, do chưa thoả thuận được với ngân hàng để tái cơ cấu các khoản vay dài hạn đến hạn phải trả khiến cho khoản vay ngắn hạn tăng 74% lên 1.149 tỉ đồng.

Đáng chú ý, từ tháng 1/2019, do không kéo dài được thời gian trả nợ, công ty không thể cân đối được tài chính để trả đủ nợ gốc cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam nên đang phải chịu lãi phạt trên nợ gốc quá hạn lên tới 18%/năm. Theo đó, đến hết tháng 6 năm nay, số nợ này đã "phình" lên 1.332 tỉ đồng, gây áp lực lớn đến tình hình tài chính của công ty.

dhb3

Nguồn: ST tổng hợp

Bên cạnh đó, các khoản vay ngoại tệ bằng USD chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng nợ vay  khiến Đạm Hà Bắc phải chịu thêm hàng chục tỉ đồng lỗ chênh lệch tỉ giá mỗi năm do tỉ giá liên tục tăng. Riêng năm 2018, chi phí này lên tới 85 tỉ đồng.

Khốn đốn với lãi vay

Về nguyên nhân thua lỗ, ban lãnh đạo Đạm Hà Bắc cho biết, giá bán các sản phẩm giảm trong nửa đầu năm nay giảm so với năm 2018, trong khi các loại chi phí đầu vào tăng cao do giá than cám, giá điện tăng dẫn đến giá vốn hàng bán tăng 6,06% lên 1.352 tỉ đồng, tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của doanh thu. 

Theo đó, lợi nhuận gộp giảm 15% xuống 241,7 tỉ đồng; biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ 18,2% xuống còn 17,8% (lưu ý là chi phí của Đạm Hà Bắc có thể đã cao hơn nếu tính đúng tỉ lệ khấu hao và theo đó biên lợi nhuận gộp sẽ giảm mạnh, ước tính chỉ khoảng 5,2%).

Trong nửa đầu năm nay, chi phí lãi vay tăng 12,6% lên 387,4 tỉ đồng, ngoài ra là khoản chênh lệch tỉ giá 22,2 tỉ đồng đã góp phần lớn vào nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của Đạm Hà Bắc.

dhb

Nguồn: ST tổng hợp

Dấu hỏi lớn về suất đầu tư 

Trở lại với hoạt động kinh doanh của Đạm Hà Bắc, có thể thấy nguyên nhân chính yếu đầu tiên là đầu tư không hiệu quả, kéo theo khả năng trả nợ dẫn đến tình hình lỗ mất vốn như ngày nay.

Bước ngoặt đối với Đạm Hà Bắc bắt đầu vào năm 2010 khi công ty thực hiện đầu tư dự án cải tạo mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc từ 180.000 tấn/năm lên 500.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, đến năm 2015, khi dự án mở rộng bắt đầu đi vào hoạt động thì ngành phân bón bước vào giai đoạn bão hòa. Nhu cầu phân đạm của Việt Nam chỉ vào khoảng 2 triệu tấn/năm trong khi công suất của 4 nhà máy chính đã lên đến 2,65 triệu tấn/năm.

Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành cùng với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã kéo giá phân đạm giảm sâu. 

Nếu như trước đây giá đỉnh điểm của phân Ure là 11.000 – 12.000 đồng/kg thì tới năm 2016, giá Ure đã giảm xuống chỉ còn 6.000 đồng/kg. quí II/2019, giá Ure bình quân theo tính toán của CTCK Bản Việt đã có sự phục hồi lên mức 7.400 đồng/kg.

Tuy nhiên, nếu như biên lợi nhuận gộp từ sản phẩm này của Đạm Phú Mỹ (Mã: DPM) cùng thời điểm đạt 23,3% thì biên lợi nhuận gộp của Đạm Hà Bắc như đã nói ở trên là quá sức mỏng manh. Hiệu quả đầu tư của Đạm Hà Bắc là đáng báo động. 

Bên cạnh vấn đề khách quan về thị trường, nhiều nhà phân tích cho rằng chi phí đầu tư của doanh nghiệp này thực tế đã quá cao dẫn đến khấu hao lớn, bình quân 600 tỉ đồng/năm. Cùng với đó, việc đầu tư dây chuyền sản xuất chủ yếu bằng vốn vay cũng khiến Đạm Hà Bắc phải chịu chi phí tài chính khổng lồ. 

Theo đó, nếu kịch bản này kéo dài thì tương lai của Đạm Hà Bắc sẽ ra sao?

dhb2

Nguồn: ST tổng hợp

Tương lai nào cho Đạm Hà Bắc?

Nằm trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương, Đạm Hà Bắc vẫn đang tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn từng bước giảm lỗ.

Trước những khó khăn chồng chất, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem - công ty mẹ sở hữu 97,66% Đạm Hà Bắc) bày tỏ mong muốn Chính phủ có chỉ đạo tác động đến Ngân hàng Phát triển Việt Nam hỗ trợ cho đạm Hà Bắc được hưởng ưu đãi lãi vay.

Ông Nguyễn Phú Cường thông tin thêm: Tính bình quân lãi suất vay đầu tư của đạm Hà Bắc là 10,78%/năm chưa kể lãi phạt, nếu trả chậm là bị nhân lên hơn 15%/năm. Dù nhà máy đã thực hành nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí, song gánh nặng chi phí mà chủ yếu là lãi vay đã khiến đạm Hà Bắc luôn trong tình trạng "báo động".

Song, câu hỏi đặt ra là liệu rằng Đạm Hà Bắc có thể có lãi để trả nợ hay không còn phụ thuộc rất lớn vào năng lực và cả yếu tố thị trường. Bởi triển vọng kinh doanh của ngành phân bón được các chuyên gia phân tích cho rằng không mấy sáng sủa. 

Trên thế giới, xu hướng chính trên khắp các thị trường Ure thế giới chủ yếu giảm giá do nhu cầu hạn chế. Hiện thị trường Ure nội địa Trung Quốc tiếp tục suy yếu tại một số khu vực sản xuất do nhu cầu thấp, cùng với chính sách thuế tiếp tục có lợi cho nhập khẩu phân bón nên lượng phân bón nhập khẩu tăng cao đang tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành.

"Trong dài hạn, nhu cầu phân bón vô cơ cũng được dự báo sẽ còn giảm do xu hướng tăng hữu cơ và giảm vô cơ đang được khuyến khích, các kỹ thuật mới cũng làm giảm lượng phân bón đến 30 – 40%", lãnh đạo một công ty phân bón lớn cho biết. Đó thực sự là bài toán quá khó đối sứ mệnh giải cứu "đứa con đầu lòng" của ngành phân đạm Việt Nam.


Sơn Tùng