Nhà máy Đạm Hà Bắc đối mặt gánh nặng tái cơ cấu khoản vay
Quý I/2019, Nhà máy đạm Hà Bắc đã giảm lỗ 30,25 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018 . Ảnh: ST.
Không gượng dậy nổi
Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc chính thức nghiệm thu và đưa vào vận hành thương mại từ tháng 12/2015 đến nay. Không chỉ liên tục bị thua lỗ, trong quá trình hoạt động, hệ thống thiết bị của nhà máy đã xảy ra nhiều sự cố, tuy không lớn, chi phí sửa chữa không nhiều nhưng phải ngừng toàn bộ hệ thống, tốn thời gian vận hành và chi phí chạy thử (khoảng 10 tỷ đồng/lần).
Nhắc tới dự án này, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đánh giá, gánh nặng lớn nhất của đạm Hà Bắc hiện là tái cơ cấu các khoản vay. Ông Cường đưa ra con số cụ thể: Doanh thu năm 2018 của đạm Hà Bắc là 3.087 tỷ đồng, nhưng riêng chi phí tài chính gồm lãi ngắn hạn, lãi dài hạn và tỷ giá đã chiếm tới 820 tỷ đồng. Với con số 820 tỷ đồng/3.087 tỷ đồng, các khoản phải trả chiếm tới 27-28%. Điều này khiến đạm Hà Bắc không thể “gượng dậy” nổi. Cả năm 2019, theo tính toán các khoản vay phải trả, lãi phải trả thì chi phí tài chính của đạm Hà Bắc khoảng 870 tỷ đồng trên kế hoạch doanh thu khoảng 3.100 tỷ đồng. "Đó là gánh nặng khủng khiếp", ông Cường nói.
Ông Nguyễn Phú Cường thông tin thêm: Tính bình quân lãi suất vay đầu tư của đạm Hà Bắc là 10,78%/năm chưa kể lãi phạt, nếu trả chậm là bị nhân lên hơn 15%/năm. Dù nhà máy đã thực hành nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí, song gánh nặng chi phí mà chủ yếu là lãi vay đã khiến đạm Hà Bắc luôn trong tình trạng "báo động".
Xung quanh các dự án thua lỗ ngành Công Thương, Bộ Công Thương nêu rõ: Một số dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất phân bón của Vinachem (trong đó có dự án nhà máy đạm Hà Bắc-PV) đang tiếp tục gặp phải khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh do các ngân hàng thương mại áp dụng cho vay theo phương thức "thu về 10 phần và chỉ cho vay lại 9 phần" sau mỗi chu kỳ sản xuất, dẫn đến khó khăn, thiếu hụt vốn sản xuất của dự án; giá thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón tăng cao.
Ngoài ra, câu chuyện vướng mắc trong xử lý tranh chấp tại các Hợp đồng EPC là điểm không thể không nhắc tới với dự án Nhà máy đạm Hà Bắc. Lý do là bởi các bên không dàn xếp được nên hiện đã phải chuẩn bị sẵn sàng phương án giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài theo quy định về giải quyết tranh chấp.
Nỗ lực cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước
Trước những khó khăn chất chồng của Nhà máy đạm Hà Bắc, ông Nguyễn Phú Cường bày tỏ: “Dưới góc độ tập đoàn, chúng tôi tha thiết Chính phủ có chỉ đạo tác động đến Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hỗ trợ cho đạm Hà Bắc được hưởng ưu đãi lãi vay. Vì nếu VDB không triển khai chương trình hỗ trợ nhà máy thì các ngân hàng thương mại khác đều không dám tiên phong hỗ trợ đạm Hà Bắc. Cũng phải nói thêm rằng, nhà máy không thể hoạt động liên tục 365 ngày/năm, cần phải có thời gian bảo dưỡng. Ngoài ra, năm 2019 có thêm vấn đề mới là tăng giá điện. Nếu các ngân hàng vẫn giữ nguyên tình trạng trả lãi vay như hiện tại, không biết đạm Hà Bắc sẽ “xoay xở” như thế nào".
Xung quanh câu chuyện của Nhà máy đạm Hà Bắc, báo cáo Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký tháng 5 vừa qua nêu rõ: Vấn đề khó khăn của dự án này chủ yếu tập trung ở khó khăn về tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh; tranh chấp Hợp đồng EPC chưa giải quyết được do vậy chưa quyết toán hoàn thành dự án được. Do vậy, hướng xử lý trong thời gian tới cũng tương tự như cách xử lý ở Dự án đạm Ninh Bình là cần tập trung xử lý, làm rõ trách nhiệm, thiệt hại do các bên gây ra; trên cơ sở đó, đánh giá lại dự án và tiến hành phương án thoái vốn, cổ phần hóa DN.
"Soi" từ trường hợp của Nhà máy Đạm Ninh Bình dễ thấy, xử lý cụ thể của đạm Hà Bắc trong thời gian tới sẽ theo hướng: Tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề tranh chấp Hợp đồng EPC để có thể quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án. Trong trường hợp hai bên không thống nhất giải quyết được các vấn đề vướng mắc, cần đưa ra bên thứ ba (cơ quan trọng tài) để phân xử, xác định trách nhiệm cụ thể của các bên; thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử nếu thấy có dấu hiệu vi phạm để để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là trách nhiệm đối với phần tài sản bị thất thoát, thiệt hại do vi phạm gây ra.
Trên cơ sở kết luận của cơ quan trọng tài về tranh chấp hợp đồng EPC và trách nhiệm các bên trong hợp đồng EPC, kết luận của cơ quan điều tra xét xử về vi phạm và trách nhiệm về thiệt hại do vi phạm gây ra của tổ chức, cán nhân có liên quan trong dự án, từ đó xác định lại giá trị tài sản dự án và tiến hành việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi dự án.
Theo Bộ Công Thương: Từ khi chính thức vận hành thương mại tháng 12/2015 đến thời điểm ngày 31/12/2016, tổng lỗ lũy kế của Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc là 1.716 tỷ đồng (cao hơn mức lỗ kế hoạch là 986,5 tỷ đồng). Sang năm 2017, nhà máy lỗ 611 tỷ đồng, giảm lỗ so với năm 2016 là 440 tỷ đồng. Trong năm 2018, tổng sản lượng của nhà máy đạt 438.324 tấn ure quy đổi; doanh thu đạt 3.087 tỷ đồng; lỗ 340 tỷ đồng, giảm so với năm trước là 266,2 tỷ đồng.
Trong quý I/2019, tổng sản lượng của nhà máy đạt 126.098 tấn ure và 91.072 tấn NH3; tổng sản lượng tiêu thụ đạt 73.161 tấn urê và 18.362 tấn NH3; doanh thu đạt 723,23 tỷ đồng; lỗ 56,3 tỷ đồng, giảm lỗ 30,25 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.