|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dự trữ ngoại hối sẽ tiếp tục tăng

08:06 | 18/05/2018
Chia sẻ
Dự trữ ngoại hối không ngừng cải thiện là một nhân tố rất tích cực hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá. Nhiều khả năng tỷ giá sẽ tiếp tục có một năm bình ổn với mức mất giá không vượt quá 3%.
du tru ngoai hoi se tiep tuc tang Kỷ lục 63 tỷ USD, dự trữ ngoại hối tăng theo cách mới
du tru ngoai hoi se tiep tuc tang Đồng Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối tăng đáng kể

Thêm một kỷ lục mới

Trong tuần trước, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tạo kỷ lục mới. Cụ thể, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã đạt gần 63 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, sau kỷ lục gần 60 tỉ đô la Mỹ hồi đầu tháng 2 vừa qua, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tiếp tục xu hướng tăng mạnh. Ước tính trong hơn hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua thêm được 32 tỉ đô la Mỹ để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối.

Đáng chú ý, theo nguồn tin của VnEconomy, cách mua vào và ứng xử với nguồn ngoại tệ mua được này thời gian gần đây có nhiều điểm khác trước. Cụ thể, trước đây, NHNN thường mua vào ngoại tệ giao ngay, có những thời điểm liên tục mua vào với quy mô lên tới hàng trăm triệu đô la Mỹ/ngày. Nhưng từ ngày 7/2/2018, NHNN bắt đầu triển khai nghiệp vụ mua ngoại tệ kỳ hạn ba tháng để điều tiết linh hoạt hơn.

Theo đó, lượng tiền đồng đưa ra được kéo giãn, gối đầu khi các hợp đồng đáo hạn thay vì dồn cục mang tính thời điểm như trước. Và từ khi triển khai nghiệp vụ trên, ước tính có khoảng 40% lượng ngoại tệ NHNN mua vào được thực hiện qua mua kỳ hạn.

du tru ngoai hoi se tiep tuc tang
Ước tính có khoảng 40% lượng ngoại tệ NHNN mua vào được thực hiện qua mua kỳ hạn. Ảnh: THÀNH HOA

Kết quả trên cho thấy nghiệp vụ và sản phẩm mới mà nhà điều hành đưa ra đã được các thành viên thị trường đón nhận tích cực. Cùng với nghiệp vụ giãn áp lực đưa tiền đồng ra mua ngoại tệ như trên, tại các thời điểm mua vào, NHNN vẫn chủ động sử dụng công cụ hút bớt tiền về, điều tiết vốn trong hệ thống để cân đối các yếu tố liên quan như lãi suất, tỷ giá và giảm thiểu áp lực đối với lạm phát.

Chính nhờ hoạt động giãn tiến độ bằng cách mua kỳ hạn, NHNN đã không còn phải dồn dập phát hành tín phiếu khối lượng lớn để hút tiền về trong ngắn hạn nữa. Theo thống kê, số dư lưu hành tín phiếu đã giảm mạnh từ hơn 120.000 tỉ đồng hồi đầu năm xuống còn 66.880 tỉ đồng tính đến ngày 27-4-2018.

Nguồn ngoại tệ đến từ đâu?

Bên cạnh sự thặng dư của cán cân thương mại trong bốn tháng đầu năm (xuất siêu đạt 3,39 tỉ đô la Mỹ) thì cán cân vốn cũng góp phần không nhỏ vào nguồn cung ngoại tệ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong bốn tháng qua ước tính đạt 5,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017. Cùng với đó, hoạt động góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.863 lượt với tổng giá trị góp vốn là 2,26 tỉ đô la Mỹ, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường cổ phiếu, giá trị mua ròng của khối ngoại tính từ đầu năm đến hết tuần qua đạt gần 500 triệu đô la Mỹ thông qua các giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận.

Những con số này nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi các thương vụ mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chưa có dấu hiệu dừng lại, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản. Cụ thể, nguồn tin từ Reuters và Bloomberg mới đây cho biết: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank sẽ bán 164 triệu cổ phần, tương đương 14,1% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư với giá 128.000 đồng/cổ phần trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE vào tháng 6 tới. Theo đó, ngân hàng dự kiến thu về 922 triệu đô la Mỹ trong lần chào bán này. Các nhà đầu tư bao gồm Quỹ Dragon Capital, Quỹ Chính phủ Singapore (GIC) và Quỹ Fidelity của Mỹ sẽ là những nhà đầu tư chủ chốt, mua 76% số cổ phần chào bán lần này.

Bên cạnh đó, ngày 30-4-2018, tập đoàn Novaland công bố huy động thành công 160 triệu đô la Mỹ, qua phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế được chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore. Chưa dừng lại, theo các thông tin cập nhật những ngày gần đây, các đợt chào bán lớn để thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài đang được lên kế hoạch gối đầu, dự kiến từ quí 2 này. Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, BIDV đã trình thông qua kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ, trong đó có kế hoạch phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài hơn 603,3 triệu cổ phiếu. Nếu phát hành thành công, với giả định theo mức giá cổ phiếu của BIDV đang giao dịch trên sàn hiện nay, thương vụ này cũng hứa hẹn quy mô tỉ đô.

Sau những thương vụ lớn cũng như triển vọng các kế hoạch thu hút vốn ngoại gối đầu quy mô lớn nói trên, thêm thuận lợi từ xuất siêu khá lớn, có thể trù tính tới việc NHNN sẽ tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ trong thời gian tới bằng nghiệp vụ mua kỳ hạn ba tháng.

Dự trữ ngoại hối không ngừng cải thiện là một nhân tố rất tích cực hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá. Sau hơi hướng bật lên vào trung tuần tháng 3 vừa qua, tỷ giá đô la Mỹ/đồng đã nhanh chóng hạ nhiệt và ổn định trên cả thị trường liên ngân hàng và trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại. Chốt tháng 4 vừa qua, giá đô la Mỹ giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đã giảm về mức 22.765 đồng; mức bán ra cũng ổn định ở 22.800 đồng. Nhiều khả năng tỷ giá sẽ tiếp tục có một năm bình ổn với mức mất giá không vượt quá 3%.

Linh Trang