|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dự thảo: Triển khai chứng chỉ lưu kí không có quyền biểu quyết thu hút NĐT ngoại

15:41 | 03/09/2020
Chia sẻ
Thông tin từ Bộ Tài chính, tại Nghị định của Chính phủ sẽ đưa ra một số nội dung qui định cụ thể về sản phẩm Chứng chỉ lưu kí không có quyền biểu quyết (Non-Voting Depositary Receipt/NVDR) để hướng dẫn Luật Doanh nghiệp.

Về sửa đổi, triển khai các qui định liên quan đến sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp niêm yết, chính sách hiện áp dụng theo qui định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP ngày 18/8/2015.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể được sở hữu đến 100% cổ phiếu của một công ty đại chúng nếu công ty đó không có ngành nghề nào bị hạn chế sở hữu theo cam kết quốc tế, pháp luật đầu tư và pháp luật chuyên ngành.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019, trong đó có nội dung qui định về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/1/2021.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh đẩy nhanh quá trình triển khai các sản phẩm phục vụ cho nhà đầu tư nước ngoài như Chứng chỉ lưu kí không có quyền biểu quyết (NVDR).

NVDR (Non-Voting Depositary Receipt) là một loại chứng chỉ lưu kí do UBCK Thái Lan sáng kiến, được đưa vào sử dụng từ năm 2000 tại quốc gia này. Tuy nhiên, các tổ chức phát hành NVDR chỉ chuyển giao quyền lợi tài chính bao gồm cổ tức, quyền, chứng quyền... cho nhà đầu tư và "giữ lại" quyền biểu quyết.

Trong khi đối với các loại chứng chỉ lưu kí khác, nhà đầu tư sẽ có toàn bộ quyền lợi về tài chính và quyền biểu quyết.

Để tạo cơ sở pháp lí cho việc triển khai sản phẩm NVDR, Luật Doanh nghiệp năm 2020 (đã được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020) qui định nguyên tắc đối với sản phẩm NVDR có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết.

Trước đó, năm 2013, NVDR từng được đề xuất phát triển tại Việt Nam nhằm thu hút được dòng vốn nước ngoài nhưng vẫn phải tuân thủ chặt chẽ qui định về giới hạn sở hữu đối với nhà đầu tư ngoại.

Ngoài ra, về các qui định về chuyển tiền, nộp rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến pháp luật ngân hàng. 

Dù không thuộc thẩm quyền của Bộ tài chính (UBCKNN), tuy nhiên UBCKNN thường xuyên có ý kiến đối với các vướng mắc liên quan đến qui định về dòng vốn vào ra của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK trong các cuộc họp liên quan với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. 

UBCKNN cũng đề nghị Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam nêu rõ các vướng mắc tại nội dung này để có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ánh Hường