Dự thảo Luật PPP: Bỏ hay giữ hợp đồng BT?
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Cụ thể, trong 10 nhóm vấn đề chính vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đưa ra để lấy ý kiến có một vấn đề đáng chú ý là việc áp dụng loại hợp đồng PPP.
Theo đó, về áp dụng loại hợp đồng PPP, đối với các loại hợp đồng được quy định trong luật, Bộ KH&ĐT lấy ý kiến về 2 phương án, một là chỉ quy định 2 loại hợp đồng tương ứng với 2 phương thức thanh toán cho nhà đầu tư là BOT và BLT; hai là nâng cấp quy định của Nghị định 63/2018/NĐ-CP.
Còn đối với loại hợp đồng BT, trong trường hợp nếu không tiếp tục duy trì thực hiện loại hợp đồng BT, Bộ KH&ĐT đề nghị các Cơ quan cung cấp thêm thông tin và lập luận để làm cơ sở báo cáo Chính phủ.
Trong trường hợp tiếp tục thực hiện loại hợp đồng BT, Bộ KH&ĐT đưa ra 2 phương án lấy ý kiến: Một là đấu thầu dự án BT (Nhà đầu tư ứng trước tiền GPMB, thực hiện đấu giá khu đất để thanh toán dự án BT. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thu được sau khi có kết quả đấu giá sẽ được thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư BT, phần còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước); hai là thực hiện kết hợp đồng thời đấu giá đất và đấu thầu công trình BT (Nhà đầu tư chào đồng thời giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị công trình BT. Giá trị quỹ đất được xác định trong hợp đồng).
Về phạm vi điều chỉnh và lĩnh vực đầu tư, có 2 phương án cần lấy ý kiến: Một là chỉ áp dụng PPP khi đầu tư dự án thuộc các lĩnh vực trọng điểm như giao thông; năng lượng; hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý nước thải, chất thải; y tế và quy định lại Luật tất cả các lĩnh vực thực hiện dự án PPP; hai là bổ sung điều khoản giao Chính phủ hướng dẫn nguyên tắc xử lý trong trường hợp phát sinh các lĩnh vực mới.
Về quy mô dự án áp dụng PPP, có 2 phương án cần lấy ý kiến: Một là áp dụng quy mô dự án tối thiểu để đầu tư theo hình thức PPP; hai là giữ nguyên như quy định hiện hành là không quy định quy mô dự án tối thiểu để được áp dụng PPP, có quy trình riêng cho dự án quy mô nhỏ để đảm bảo được chuẩn bị thực hiện một cách kinh tế với chi phí hợp lý.
Về nguồn vốn của Nhà nước trong dự án PPP, có 2 phương án cần lấy ý kiến là thành lập Quỹ phát triển các dự án PPP do Bộ Tài chính quản lý và hình thành dòng ngân sách riêng trong kế hoạch đầu tư công.
Về hoạt động của doanh nghiệp dự án, Bộ KH&ĐT lấy ý kiến về các nội dung như doanh nghiệp dự án chỉ được thành lập để triển khai duy nhất một dự án PPP, không được đăng ký kinh doanh các ngành, nghề khác với mục tiêu dự án; doanh nghiệp dự án được phép phát hành cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn, chuyển nhượng vốn nhưng vẫn đảm bảo mục đích thực hiện dự án.
Về ưu đãi miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thế chấp quyền sử dụng đất, Bộ KH&ĐT lấy ý kiến về 2 phương án: Một là doanh nghiệp dự án được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án, được thế chấp quyền sử dụng đất tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam
Hai là doanh nghiệp được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao, được thế chấp quyền sử dụng đất tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng lấy ý kiến về một số vấn đề khác như về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP, về bảo lãnh Chính phủ, về quyết toán công trình dự án PPP và về trách nhiệm của các cơ quan hậu kiểm.
Trước đó, tháng 3/2018, Bộ KH&ĐT đã có đề xuất xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; trong đó, có hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh -chuyển giao).
Theo đó, Bộ KH&ĐT cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều bất cập trong việc triển khai các dự án BOT, BT giao thông và tại một số địa phương.
Do đó, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý để quản lý thống nhất các hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư; đồng thời, quy định rõ hơn các cơ chế, biện pháp thu hút, bảo đảm đầu tư thông qua công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh của Chính phủ…