Dư nợ margin ước giảm hơn 60.000 tỷ đồng giai đoạn qua, thị trường còn mặn mà?
Thị trường chứng khoán Việt Nam từng chứng kiến cơn khát margin nửa cuối năm 2021. Nhà đầu tư chạy đua với tiền vay để mua được nhiều hơn cổ phiếu trong bối cảnh giá leo thang từng ngày nhằm kiếm lợi nhuận nhiều hơn.
Nhưng mọi thứ đều có hai mặt, khi thị trường đảo chiều giảm sâu, margin là “con dao hai lưỡi” bào mòn tài khoản nhà đầu tư một cách nhanh chóng. Thậm chí, tình trạng lạm dụng nguồn margin quá mức khiến nhiều nhà đầu tư bị gọi ký quỹ bổ sung, bán giải chấp khi giá cổ phiếu liên tục giảm sàn.
Trong tháng 4 và 5 vừa qua, làn sóng bán giải chấp tài khoản bùng nổ, khiến thị trường trở nên tiêu cực hơn. Nhiều bluechip nhóm thép, ngân hàng, chứng khoán giảm sàn liên tiếp.
Sau cú sốc margin vừa qua, dường như nhà đầu tư có phần thận trọng hơn khi giao dịch với nguồn tiền ký quỹ. Một phần đến từ việc thị trường biến động mạnh theo chiều hướng tiêu cực nên việc chiến lược giao dịch với margin không mang lại sự hiệu quả.
Trong báo cáo phân tích mới đây của Kinh tế trưởng công ty quản lý quỹ VinaCapital, ước tính số dư ký quỹ đang lưu hành đã giảm khoảng 30%. Việc giảm margin này giúp loại bỏ nguồn áp lực bán tháo cho thị trường trong tháng 5 và mở đường cho sự hồi phục mạnh của thị trường nửa cuối tháng.
Ước tính thời điểm cuối quý I, tổng dư nợ margin toàn thị trường gần 202.000 tỷ đồng (8,8 tỷ USD). Dựa theo ước tính của VinaCapital, lượng margin của thị trường giảm khoảng 60.600 tỷ đồng (2,6 tỷ USD).
Theo dữ liệu tổng hợp của phóng viên, hoạt động cho vay margin trên thị trường tập trung chủ yếu ở các công ty chứng khoán lớn. Cụ thể, tổng giá trị cho vay ký quỹ của 20 công ty lớn nhất đạt 158.514 tỷ đồng. Theo đó, nếu tính trung bình, giá trị cho vay margin ở nhóm này cũng giảm khoảng 50.000 tỷ đồng giai đoạn vừa qua.
Trên thực tế, tình hình cho vay margin có tín hiệu chững lại trong quý đầu năm nay. Trong quý IV/2021, dư nợ ký quỹ tại 20 công ty lớn nhất có mức tăng kỷ lục với 26.220 tỷ đồng trong khi quý đầu năm nay chỉ còn là 5.050 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này là thấp nhất kể từ khi thị trường bước vào giai đoạn tăng mạnh đầu quý II/2020.
Trước diễn biến không mấy thuận lợi của thị trường và hiện tượng nhiều mã chứng khoán tăng nóng điển hình như nhóm bất động sản, quy mô cho vay ký quỹ ở nhiều công ty chứng khoán không còn tăng trưởng những tháng đầu năm như SSI, VPS, SHS, ACBS, Maybank. Ở những đơn vị khác, hoạt động cho vay chỉ tăng trưởng nhẹ, không như giai đoạn trước đó.
Tại ngày 31/3/2022, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) vẫn là công ty chứng khoán mạnh tay giải ngân cho vay nhất trên thị trường với quy mô 20.620 tỷ đồng, theo sau là Mirae Asset (16.265 tỷ đồng), VNDirect (16.081 tỷ đồng), TCB (16.019 tỷ đồng), HSC (14.523 tỷ đồng). Việc bổ sung lượng tiền lớn từ các hợp đồng tín dụng quốc tế đã giúp các công ty chứng khoán trên đẩy mạnh giải ngân cho vay.
Tại một số đơn vị khác, quy mô cho vay ký quỹ đạt trên 5.000 tỷ đồng như VPS, Bản Việt, KIS Việt Nam, MBS, KB Việt Nam, FPTS. Dư nợ cho vay tại các đơn vị này gần như không có nhiều thay đổi trong 3 tháng đầu năm nay.
Sang đến quý II/2022, một số công ty chứng khoán thực hiện tăng vốn để bổ sung nguồn tiền cho hoạt động kinh doanh như VNDirect, SHS, VIX. Tuy nhiên, trong bối cảnh này hoạt động margin không mấy nhộn nhịp khi nhà đầu tư không mặn mà trước diễn biến khó lường của thị trường.
Quan sát trong những khuyến nghị được các công ty chứng khoán hai tháng gần đây, bộ phận phân tích đa phần cho rằng nên giao dịch với tỷ trọng cổ phiếu thấp (30 – 40% giá trị danh mục). Nhà đầu tư tập trung cho chiến lược giao dịch ngắn hạn, mua nắm giữ dài hạn bằng tiền mặt.