Dự luật có thể hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc được Quốc hội phê chuẩn, chờ chữ kí ông Trump
Dự luật buộc Trung Quốc tuân thủ qui định kế toán Mỹ giành được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Hạ viện sau khi dễ dàng được Thượng viện thông qua hồi tháng 5. Dự luật này sẽ được gửi đến Tổng thống Trump và chờ đợi chữ kí của ông.
Theo Bloomberg, dù dự luật trên chỉ trừng phạt doanh nghiệp Trung Quốc sau ba năm liên tiếp không tuân thủ yêu cầu của Mỹ, nó thể hiện việc Washington tăng cường giám sát các mối quan hệ với Trung Quốc. Trong nhiều năm qua doanh nghiệp Trung Quốc đã dựa vào quyền tiếp cận thị trường vốn của Mỹ để huy động tiền cho hoạt động của mình.
Thượng nghị sĩ John Kennedy tuyên bố: "Chính sách của Mỹ đang để mặc Trung Quốc coi thường các qui tắc mà doanh nghiệp Mỹ tuân thủ và điều đó rất nguy hiểm. Hôm nay, Hạ viện đã cùng Thượng viện bác bỏ hiện trạng nguy hại này. Tôi rất vui khi thấy dự luật được chuyển đến bàn làm việc của tổng thống".
Ngoài việc yêu cầu cho phép thanh tra viên của Mỹ xem xét các báo cáo tài chính, dự luật còn yêu cầu các công ty tiết lộ họ có thuộc sở hữu của chính phủ nước ngoài hay không.
Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, người đầu tiên giới thiệu dự luật khẳng định: "Nhiều nhà đầu tư đã bị lừa gạt và mất tiền sau khi rót tiền vào những công ty Trung Quốc có vẻ hợp pháp nhưng thực chất lại không tuân theo các tiêu chuẩn giống những công ty đại chúng khác. Dự luật này sửa chữa điều sai trái trên, đảm bảo mọi công ty trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ phải chấp hành các qui tắc giống nhau".
Dự luật mới thể hiện bước ngoặt trong cuộc tranh chấp kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh. Vấn đề cốt lõi gây tranh cãi là việc Trung Quốc từ chối cho phép Hội đồng giám sát kế toán công ty đại chúng Mỹ (PCAOB) thanh tra sổ sách của doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ.
Theo Bloomberg, nhà đầu tư có vẻ không nao núng trước động thái của Quốc hội. Giá cổ phiếu Alibaba, công ty Trung Quốc lớn nhất niêm yết tại Mỹ chỉ giảm 1% và vẫn ổn định trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày 2/12.
Tháng trước ông Fang Xinghai, Phó chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc bày tỏ niềm lạc quan rằng cuộc tranh cãi có thể được giải quyết với chính quyền sắp tới của ông Biden. "Đó không phải là một vấn đề nan giải," ông Fang nói.
Dù công ty Trung Quốc không chịu sự thanh tra của PCAOB, cổ phiếu Trung Quốc vẫn được phép niêm yết tại Mỹ trong suốt nhiều năm qua, vì hoạt động này mang lại lợi nhuận cho các sàn giao dịch, ngân hàng đầu tư và các công ty quản lí tài sản của Mỹ.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cho biết năm 2019 có hơn 150 công ty của Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch Mỹ, với tổng giá trị 1.200 tỉ USD. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng ồ ạt lên sàn Mỹ trong năm nay.
Các công ty lớn như Vanguard Group, Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và Nasdaq lo ngại sự cứng rắn của Quốc hội có thể thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc tháo chạy sang Hong Kong hay những quốc gia khác. Nhà đầu tư Mỹ vẫn có thể mua cổ phiếu Trung Quốc ở nước ngoài thay vì tại Mỹ.
Nhiệm vụ của SEC
SEC có nhiệm vụ đề ra qui tắc để thực hiện một phần của dự luật.
Chủ tịch SEC Jay Clayton nói rằng dự luật sẽ "tạo ra ra sân chơi bình đẳng cho mọi công ty niêm yết" trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
NYSE hi vọng thời hạn ba năm dự luật đặt ra để công ty Trung Quốc tuân thủ yêu cầu kế toán sẽ cho phép cân bằng giữa sự bảo vệ và lựa chọn cho nhà đầu tư. Nasdaq tuyên bố họ "sẵn sàng làm việc với các công ty niêm yết để tuân thủ mọi qui định" và mong chờ hợp tác với SEC để tăng cường sự minh bạch.
Cũng như tại Thượng viện, dự luật được Hạ viện thông qua với sự nhất trí tuyệt đối, cho thấy sự ủng hộ của các nhà lập pháp, Nikkei Asia cho biết.