|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu Trung Quốc có nguy cơ bị hủy niêm yết, Mỹ đề nghị các trường đại học thoái vốn gấp

17:11 | 20/08/2020
Chia sẻ
Bộ Ngoại giao Mỹ đang đề nghị các trường đại học, cao đẳng thoái vốn khỏi cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc trước khi chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp mạnh tay trên thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu Trung Quốc có nguy cơ bị hủy niêm yết, Mỹ đề nghị các trường đại học thoái vốn gấp - Ảnh 1.

Một người đeo khẩu trang đi bộ tại Đại học Harvard, bang Massachusetts, Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Bloomberg trích dẫn một bức thư mà Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Keith Krach gửi lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng Mỹ: "Ban quản lí tiền quyên giúp (endowment) của các trường đại học nên hành xử thận trọng và thoái vốn khỏi các cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc để đề phòng khả năng tiêu chuẩn niêm yết được thắt chặt dẫn tới hủy niêm yết hàng loạt trong năm nay và năm sau".

"Nắm giữ các cổ phiếu này còn kèm theo rủi ro gắn với các doanh nghiệp Trung Quốc phải trình bày lại số liệu tài chính", Thứ trưởng Keith Krach viết trong thư.

Lời cảnh báo tới ban quản lí tiền quyên giúp của các trường đại học, cao đẳng đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến tranh đa chiều của chính quyền Tổng thống Trump với Trung Quốc.

Theo số liệu do Bloomberg điều tra năm 2019, các trường đại học và cao đẳng Mỹ đầu tư hàng tỉ USD vào cổ phiếu Trung Quốc. Ngày 19/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi Mỹ là một đối tác "quan trọng" trong đầu tư và cho rằng cả hai bên đều được lợi từ quá trình hợp tác về tài chính.

Khi được hỏi về bức thư của Thứ trưởng Keith Krach gửi các trường đại học Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu: "Lập nên các chướng ngại vật ngăn cản sự hợp tác sẽ không mang lại lợi ích cho thị trường vốn của hai nước. Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ tạo ra một môi trường công bằng, bình đẳng, không phân biệt cho các công ty Trung Quốc đầu tư ở Mỹ".

Ngoài tiền học phí hay ngân sách của chính phủ, các trường đại học lớn của Mỹ còn có thể dựa vào một nguồn thu khác là tiền quyên giúp (endowment) từ các tổ chức hay cá nhân giàu có. Tiền quyên giúp tập trung chủ yếu tại các ngôi trường lớn và danh tiếng, các trường còn lại hầu như không có nguồn thu này.

Cổ phiếu Trung Quốc có nguy cơ bị hủy niêm yết, Mỹ đề nghị các trường đại học thoái vốn gấp - Ảnh 1.

Harvard và Yale – hai trường trong nhóm Ivy League danh giá – là những trường giàu có nhất thế giới khi có tới hàng chục tỉ USD tiền quyên giúp. Số tiền này được dùng vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó có đầu tư chứng khoán.

Chẳng hạn theo số liệu của Bloomberg, vào cuối năm 2019, Đại học Yale nắm giữ 62,8 triệu USD cổ phiếu và chứng chỉ quĩ. Đến cuối quí I, danh mục này tăng lên thành 267,4 triệu USD, tức tăng trên 320%.

Quan hệ Mỹ - Trung căng càng thêm căng

Trong số các cổ phiếu được Đại học Yale mua mới trong quí I có công ty phần mềm Slack Technologies và ứng dụng họp mặt trực tuyến Zoom Video Communication. 

Đầu năm 2020, Zoom đột ngột trở nên phổ biến do đại dịch COVID-19 bùng phát buộc nhiều người phải làm việc ở nhà và tổ chức các cuộc họp từ xa. Giá cổ phiếu Zoom hiện đã tăng 300% so với ngày đầu năm.

Nhu cầu tăng vọt đã khiến Zoom phải chuyển dữ liệu của người dùng qua máy chủ ở Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại chính phủ Trung Quốc có thể giám sát những dữ liệu này. 

Thượng viện Mỹ và một số doanh nghiệp lớn đã khuyến cáo nhân viên của mình không sử dụng Zoom trong công việc.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc cũng bị Mỹ áp lệnh hạn chế vì lo ngại an ninh quốc gia như Huawei, ByteDance, Tencent, ... 

Ngoài ra, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật yêu cầu thắt chặt qui định công bố thông tin đối với doanh nghiệp nước ngoài niêm yết tại sàn chứng khoán Mỹ. Tổng thống Trump cũng nhiệt liệt ủng hộ qui định này và cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng thị trường chứng khoán của Mỹ để kiếm hàng tỉ USD.

Cụ thể, dự luật trên yêu cầu các công ty niêm yết phải chứng thực "không thuộc sở hữu hoặc dưới quyền kiểm soát của chính phủ nước ngoài", đồng thời phải tuân thủ qui định kiểm toán của các cơ quan quản lí Mỹ. Nếu không chấp hành trong ba năm liên tiếp, các công ty này sẽ bị cấm giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ.

Không những vậy, chính quyền Tổng thống Trump và một số nghị sĩ có quan điểm chống Trung Quốc như Marco Rubio hay Jeanne Shaheen còn yêu cầu Ủy ban đầu tư tiết kiệm hưu trí Liên bang Mỹ (FRTIB) không được đầu tư thụ động theo các chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI vì có thể dẫn tới việc rót tiền vào cổ phiếu Trung Quốc.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.