|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dự luật cấm TikTok và những tác hại kinh tế có thể xảy ra

06:46 | 19/03/2024
Chia sẻ
Ngày 13/3, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc TikTok phải thoái vốn quyền sở hữu khỏi công ty mẹ ByteDance nếu không muốn bị cấm hoạt động ở nước này.

Dự luật được các nhà lập pháp Mỹ thông qua với tỷ lệ áp đảo là 352 phiếu ủng hộ và 65 phiếu chống. Cụ thể, dự luật yêu cầu công ty ByteDance phải có các biện pháp để từ bỏ quyền kiểm soát ứng dụng TikTok trong vòng 180 ngày, nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm khỏi các cửa hàng ứng dụng Apple và Google ở Mỹ.

Mặc dù vậy, số phận của dự luật vẫn chưa thể chắc chắn do vẫn còn một cuộc bỏ phiếu nữa tại Thượng viện. Hai nhà lập pháp hàng đầu trong Ủy ban Tình báo Thượng viện là Thượng nghị sĩ Marco Rubio, R-Fla, và Mark Warner, D-Va., đã đưa ra một tuyên bố chung ca ngợi dự luật của Hạ viện và thúc giục hành động của Thượng viện nhưng mốc thời gian không rõ ràng.

Một số nhà lập pháp đã đề nghị Thượng viện nên tổ chức các phiên điều trần về luật này trước khi tiến hành bỏ phiếu.

Tuần trước, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Joe Biden sẽ sẵn sàng ký ban hành luật nếu đề xuất về dự luật được thông qua. Dự luật có tên "Bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát”, cho phép Tổng thống cấm các ứng dụng hoặc các cửa hàng dịch vụ trực tuyến lưu trữ ở Mỹ nếu được cho là nguy hại tới an ninh quốc gia.

Theo dự luật, ByteDance sẽ có thời hạn sáu tháng để thoái vốn và nếu không thực hiện điều đó, các ứng dụng của công ty công nghệ nổi tiếng Trung Quốc sẽ không còn có sẵn trên các cửa hàng ứng dụng trực tuyến ở Mỹ.

Dự luật cũng thiết lập một quy trình để tổng thống giải quyết mọi mối đe dọa trong tương lai từ bất kỳ ứng dụng nào thuộc sở hữu nước ngoài, nếu chúng được coi là rủi ro an ninh quốc gia. Nó cũng tạo ra một hệ thống để người dùng tải xuống dữ liệu của riêng họ và chuyển sang nền tảng thay thế.

Tác động kinh tế từ lệnh cấm​

Những người phản đổi dự luật đã trích dẫn quyền tự do ngôn luận và tác động kinh tế của lệnh cấm. Dân biểu đảng Dân chủ thuộc bang Florida, ông Maxwell Frost, 27 tuổi – thành viên trẻ nhất của Quốc Hội, công khai phản đối dự luật này.

Ông nói: “Tôi cho rằng đó là sự vi phạm các quyền của người dân trong Tu chính án 1 của Hiến pháp Mỹ. TikTok là nơi để mọi người bày tỏ ý tưởng cá nhân. Có nhiều doanh nghiệp nhỏ trong quận mà tôi đại diện cho họ và cả những người sáng tạo nội dung. Tôi nghĩ dự luật sẽ tác động mạnh mẽ đến họ”.

Ông Frost và những người phản đối khác tin rằng dự luật đang được gấp rút thông qua và nhiều nhà lập pháp không nắm bắt được tác động mà nó có thể đem lại.

Một báo cáo do TikTok công bố ngày 13/4 cho thấy nền tảng chia sẻ video lớn nhất toàn cầu đã mang lại 14,7 tỷ USD doanh thu cho các chủ doanh nghiệp nhỏ vào năm 2023 và đóng góp tới 24,2 tỷ USD vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm ngoái.

Báo cáo, do các nhà kiểm toán thuộc Oxforf Economics thực hiện, chỉ ra rằng TikTok hỗ trợ tạo ra ít nhất 224.000 việc làm tại Mỹ và tác động kinh tế lớn nhất mà ứng dụng này đem lại là ở các bang California, Texs, Florida, New York và Illinois.

Oxford Economics đã thực hiện một nghiên cứu để đo lường giá trị kinh tế mà TikTok mang lại. Các chuyên gia khảo sát hơn 1.000 chủ doanh nghiệp nhỏ, sử dụng TikTok như một phương tiện kinh doanh, và 7.500 người dùng TikTok trên toàn nước Mỹ.

Nghiên cứu diễn ra trước khi TikTok Shop, ứng dụng bán hàng trên TikTok, ra đời vào tháng 9/2023, trở thành “gã khổng lồ” về bán hàng và tiếp thị ở Mỹ cũng như tại bất cứ quốc gia nào mà TikTok Shop có mặt. Mô hình kinh tế của Oxford Economics không bao gồm bất kỳ sự thúc đẩy nào đã tạo ra doanh thu cho các doanh nghiệp nhỏ.

TikTok đã tài trợ cho nghiên cứu và hợp tác với Oxford Economics bằng cách cung cấp thông tin về hoạt động nội bội cũng như số lượng nhân viên.

Báo cáo nghiên cứu cho biết TikTok mang lại tác động lớn nhất trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, hỗ trợ đóng góp 6,4 tỷ USD vào GDP của Mỹ và tạo ra 73.000 việc làm trong năm 2023.  Hơn nữa, ứng dụng này cũng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ về sức khỏe, tinh thần và dịch vụ kinh doanh.

Theo báo cáo, các doanh nghiệp nhỏ sử dụng TikTok làm nền tảng quảng cáo, cung cấp 5,3 tỷ USD doanh thu thuế cho Chính phủ Mỹ chỉ tính riêng năm 2023. 39% các chủ doanh nghiệp nhỏ có trong báo cáo đã nói rằng TikTok rất quan trọng đối với sự tồn tại doanh nghiệp của họ và 69% chia sẻ ứng dụng này đã giúp tăng doanh số bán hàng cho doanh nghiệp của họ trong năm ngoái.

Theo báo cáo các nhóm dân thiểu số thường sử dụng TikTok nhiều hơn các nhóm không phải thiểu số. 83% chủ doanh nghiệp nhỏ là người da đen tham gia khảo sát cho biết họ chứng kiến doanh số tăng đáng kể sau khi tận dụng TikTok để quảng bá doanh nghiệp, 86% các chủ doanh nghiệp nhỏ gốc Latinh hoặc gốc Tây Ban Nha được khảo sát cũng cho biết điều tương tự, giống như 88% các chủ doanh nghiệp nhỏ người Mỹ gốc Á và gốc Thái Bình Dương.

Tất cả các nhóm dân thiểu số này đều thừa nhận rằng TikTok rất cần thiết trong việc giúp họ đạt được quan hệ đối tác thương hiệu và phát triển các nguồn doanh thu mà lẽ ra sẽ khó khăn hơn nhiều nếu không có ứng dụng này.

Những ứng dụng có thể thay thế cho TikTok

Trong một chia sẻ gần đây, ByteDance nhấn mạnh rằng công ty đã thiết lập “tường lửa” dữ liệu, bằng cách hợp tác với công ty phần mềm Oracle có trụ sở tại Austin. Được mệnh danh là “Dự án Texas” hệ thống mới định tuyến tất cả lưu lượng truy cập của người dùng tại Mỹ chuyến đến Oracle, đơn vị này cũng kiểm soát các máy chủ lưu trữ dữ liệu của người dùng Mỹ trên TikTok.

Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa nhận được sự tán thành từ các nhà chức trách Washington, những người vẫn trung thành với ý kiến cho rằng việc này vẫn chưa thể làm cho TikTok tách rời hoàn toàn khỏi ByteDance.

Nếu TikTok rút lui khỏi Mỹ, sẽ không thiếu các nền tảng truyền thông xã hội có thể thay thế, nơi người dùng vừa có khả năng tạo hoặc xem các video dạng ngắn.

Các ứng cử viên nổi bật có thể kể đến bao gồm YouTube (thuộc Googlr); Snapchat; Instagram, Facebook (thuộc Meta) và X. Tất các đều đã tạo ra các tính năng video cuộn bắt chước cách thức hiển thị của TikTok. Mặc dù vậy, nhiều người dùng phàn nàn những ứng dụng cạnh tranh đó chưa nắm vững thuật toán đề xuất khiến chúng trở nên hấp dẫn như TikTok.

Một số ý kiến cho rằng việc chuyển một lượng lớn khán giả từ TikTok sang các nền tảng khác là một việc làm khó khăn. Các nền tảng mạng xã hội khác nhau có các mục tiêu kinh doanh khác nhau, tệp người dùng với sở thích và nhu cầu khác nhau. Điều này sẽ tạo ra thách thức cho các nhà sáng tạo nội dung tìm kiếm phương thức xây dựng hoạt động kinh doanh hiệu quả, khi họ đang phụ thuộc vào TikTok và buộc phải chyueenr sang các nền tảng mạng xã hội khác.

Nhà sáng tạo nội dung và là chủ một tài khoản doanh nghiệp trên TikTok, Nadya Okamoto, chia sẻ với kênh truyền hình CNN (Mỹ): “Người dùng TikTok phần lớn xem nội dung trên kênh của mình từ những người mà họ không nhất thiết phải theo dõi. Vì vậy, với tư cách là một doanh nghiệp, đó là một điều rất độc đáo”.

Tuy nhiên, một số TikTokker (những người nổi tiếng trên nền tảng TikTok) dường như đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Một số người đã tiết lộ việc đang nỗ lực tìm hiểu các nền tảng khác để chuẩn bị cho một sự “chia tay” có thể xảy ra đối với TikTok.

Nhà sáng tạo nội dung sở hữu kênh “Business with Sab” trên ứng dụng TikTok băn khoăn cần phải làm gì để tìm ra cách để thu hút khán giả của mình khi thoát ra khỏi ứng dụng. Người này đặt câu hỏi: “Bạn sẽ làm gì nếu lệnh cấm có hiệu lực và toàn diện đối với TikTok?” .

Diệu Linh