TikTok lấn lướt kênh bán hàng truyền thống
Chia sẻ tại hội thảo sáng 16/3, bà Trang Lê - CEO Công ty cổ phần Truyền thông Đa phương tiện (MultiMedia JSC), đơn vị nắm bản quyền chương trình Vietnam’s Next Top Model, The Face Vietnam nhiều năm qua, cho biết ngỡ ngàng với doanh thu từ Facebook và TikTok mang lại trong thời gian qua. Không tiết lộ doanh thu từ các nền tảng này nhưng bà nói công ty đã "sống khỏe" qua đại dịch Covid-19 nhờ sản xuất các chương trình phát trên Facebook và TikTok.
Theo bà Trang, nhiều năm trước truyền hình là kênh thu hút người xem nhưng chi phí sản xuất đắt đỏ. Gần đây, khi xuất hiện Facebook và TikTok - công ty bà sản xuất chương trình với chi phí thấp mà thu hút hàng triệu người dùng, tìm kiếm được nhà tài trợ cả trong và ngoài nước.
Ngoài thu hút người xem, bà Trang đánh giá TikTok còn là kênh bán hàng hiệu quả với doanh số tiền tỷ trong thời gian ngắn. Khi tham gia vào kênh này, người bán không mất tiền mặt bằng mà chỉ trả một khoản chi phí nhỏ cho sàn và các KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn).
Dẫn chứng thêm, bà Trang cho hay "ngỡ ngàng" khi biết đầu tháng 3, chủ kênh Quyền Leo Daily đã chốt hàng nghìn đơn với tổng doanh thu đạt hơn 75 tỷ đồng chỉ 13 giờ livestream. Doanh số này ngang ngửa với hệ thống siêu thị có vài nghìn cửa hàng. Trước đó, kênh của Phạm Thoại cũng đã chốt 13.000 đơn hàng thời trang chỉ trong 5 tiếng cho hãng Canifa.
"Tôi chưa từng thấy cơ sở bán hàng truyền thống nào có thể bán hết hàng trong kho chỉ trong nửa ngày", bà Trang nói.
Đồng quan điểm, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng Facebook, TikTok đang là cánh cửa thu hút khách hàng, người tiêu dùng. Xu hướng người dùng mua hàng online, ưa thích sự tiện lợi càng trở nên phổ biến thay vì chọn các kênh truyền thống như chợ, siêu thị...
Bà Hạnh thừa nhận trước đó không có thiện cảm với TikTok nhưng qua trải nghiệm dần thấy đây là kênh hấp dẫn. Khảo sát thực tế của Hội hàng Việt Nam chất lượng cao vừa qua cho kết quả TikTok là nơi bán hàng hiệu quả. Kênh bán hàng mới này giúp nhiều người "đổi đời" với doanh số bùng nổ bất chấp kinh tế suy thoái.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng lấn sân sang mở kênh trên TikTok để bán hàng. Trong đó, Vinamik, doanh nghiệp có hàng nghìn cửa hàng phân phối truyền thống cũng đang tìm cách bán hàng trên kênh này. Hay như Abbot, dù chính phủ Mỹ không cho phép sử dụng TikTok nhưng đơn vị này cũng đang xin phép và tìm cách để được bán hàng qua kênh này.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), cho biết doanh nghiệp đã mở kênh bán hàng trên TikTok trong năm vừa qua và bước đầu có hiệu quả. Doanh số bán hàng qua các lần tăng 2-3 lần so với những ngày đầu. Đây cũng là cách giúp doanh nghiệp có thêm chỗ đứng ở thị trường nội địa trước bối cảnh xuất khẩu khó khăn.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, lợi thế của kênh bán hàng trên TikTok là người tiêu dùng có thể thấy hàng thực tế và dễ dàng phản hồi ý kiến về sản phẩm hoặc đổi trả. Thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến ở Việt Nam đang phát triển vượt bậc. Khi các sàn thương mại điện tử liên kết với các kênh mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram sẽ giúp doanh số bán hàng bùng nổ. Với hơn 70 triệu người dùng Internet, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng người dùng Internet lớn trên thế giới.
Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến của Metric cho thấy, trong năm 2023 doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, Sendo đạt trên 232.100 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022. Theo đó, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến.
Theo bà Trang Lê, TikTok ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong các chiến dịch truyền thông. Hai năm trước, TikTok mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm nhưng nay là kênh bán hàng thu hút hàng triệu người dùng ở Việt Nam và trên thế giới.