|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Du lịch tạm 'đóng băng', doanh nghiệp cùng nhau 'thắt lưng buộc bụng'

20:15 | 15/03/2020
Chia sẻ
Du lịch Quảng Ninh tạm thời “đóng băng” đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành để giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Từ 12h ngày 12/3, tỉnh Quảng Ninh đã tạm dừng đón khách tham quan tới vịnh Hạ Long, Bái Tử Long; các đảo thuộc vùng biển đảo Cô Tô, Vân Đồn; khu di tích danh thắng Yên Tử và các di tích, danh thắng khác; không cấp phép lưu trú trên vịnh.

Du lịch tạm 'đóng băng', doanh nghiệp cùng nhau 'thắt lưng buộc bụng' - Ảnh 1.

Các tàu đồng loạt về neo đậu tại cảng, các khu vui chơi giải trí tại Hạ Long cũng tạm đóng cửa từ 12/3.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa như biểu diễn nghệ thuật, rạp chiếu phim, karaoke, vũ trường cũng phải ngừng hoạt động. Quyết định này được đưa ra nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp mà Quảng Ninh vốn là địa bàn du lịch trọng điểm với lượng khách di chuyển rất lớn.

“Chưa bao giờ thấy”, đó là cảm nhận chung của các chủ tàu du lịch thời điểm này. Xót xa trước cảnh hàng trăm con tàu phải "nằm bờ" nhưng ông Phan Văn Tùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH du thuyền Bhaya cho rằng, đây là biện pháp cần thiết và kịp thời để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

“Quan điểm của chúng tôi là kinh doanh bền vững, lấy tăng trưởng xanh làm tiêu chí phấn đấu, bởi an toàn là trên hết, không thể vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua các vấn đề an toàn. Thời điểm này chúng tôi dồn toàn tâm, toàn lực để làm công tác phòng dịch cũng như đảm bảo an toàn tối đa cho cán bộ, công nhân viên”, ông Tùng chia sẻ.

Du lịch tạm 'đóng băng', doanh nghiệp cùng nhau 'thắt lưng buộc bụng' - Ảnh 2.

Khu du lịch Bãi Cháy chỉ lác đác vài người đi lại, lượng khách quốc tế gần như không còn.

Trước khi Quảng Ninh có quyết định tạm ngừng đón khách, hoạt động du lịch trên địa bàn cũng đã suy giảm nghiêm trọng. Tất cả các thị trường lớn như châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... đều giảm lượng khách tới 80-90% do tình hình dịch bệnh đang lây lan nhanh tại hàng chục quốc gia, đặc biệt là một số nước Tây Âu.

Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Ninh cho biết, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ giờ đây gần như ngừng hoạt động vì không còn nguồn thu.

“Hoạt động du lịch ảnh hưởng rất lớn và nặng nề. Trên 500 tàu phải đỗ ngoài cảng, lao động trực tàu đông nên các đơn vị khó khăn nhất là đảm bảo tiền lương cho người lao động khi không có doanh thu. Khách sạn nhỏ đóng cửa, khách sạn 3-4 sao dù cầm cự nhưng công suất cũng chỉ 3-7% trước khi ngừng đón khách”, bà Bảo cho biết thêm.

Du lịch tạm 'đóng băng', doanh nghiệp cùng nhau 'thắt lưng buộc bụng' - Ảnh 3.

Từ trước đó thì nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ, khách sạn, nhà hàng đã phải đóng cửa hoặc cho nhân viên nghỉ việc luân phiên.

Ủng hộ chủ trương của Chính phủ về thắt chặt hoạt động du lịch và sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo sự an toàn, các doanh nghiệp du lịch - dịch vụ đang phải tính toán để tồn tại và tiếp tục hoạt động, từ cho nhân viên nghỉ luân phiên, tiết kiệm tối đa chi phí gián tiếp tới tạm ngưng hoạt động một vài bộ phận...

Ông Đặng Tuấn Hà, Phó Giám đốc Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu cho hay: “Ảnh hưởng là rất lớn nhưng cảng Tuần Châu xác định chống dịch là việc cấp thiết nên hoàn toàn ủng hộ để đảm bảo.

Cảng đã giảm 20% lệ phí ra vào cảng, phí neo đậu, thuê mặt bằng với các chủ tàu và chủ doanh nghiệp hoạt động tại cảng. Chúng tôi theo dõi sát sao tình hình diễn biến của dịch và sẽ phối hợp cùng Chi hội tàu để có sự hỗ trợ tốt hơn”.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã bố trí kinh phí đào tạo và đào tạo lại nguồn lao động cho các doanh nghiệp du lịch dịch vụ tại Trường Đại học Hạ Long, hiện các đơn vị đang lên kế hoạch triển khai.

Dù vậy, bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh cũng cho biết, trước mắt các doanh nghiệp du lịch mong muốn có chính sách giảm tiền thuê đất, giảm thuế VAT cũng như cơ cấu lại thời gian trở nợ, giãn nợ, chậm nộp BHXH...

Ông Nguyễn Văn Đoan, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh khẳng định, ngay từ khi có thông tin về dịch bệnh Covid-19, đơn vị đã yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động tiếp cận doanh nghiệp, nắm bắt tình hình, kịp thời áp dụng các biện pháp trong thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn.

Chỉ trong hơn 1 tháng dịch bệnh bùng phát, đã có khoảng 800 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh; trong đó hơn 60 khách hàng với số dư nợ 450 tỷ đồng được miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ cho 7 khách hàng với dư nợ 150 tỷ đồng, cho vay mới 475 khách hàng với doanh số cho vay 230 tỷ...

Du lịch tạm 'đóng băng', doanh nghiệp cùng nhau 'thắt lưng buộc bụng' - Ảnh 4.

Các biện pháp đảm bảo an toàn vẫn được các ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh áp dụng tại tất cả các điểm tham quan du lịch.

Ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành Thông tư quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh, làm cơ sở để các ngân hàng tiếp tục triển khai.

“Chúng tôi chỉ đạo các chi nhánh Ngân hàng thương mại đang tiếp tục rà soát, áp dụng các biện pháp hỗ trợ phù hợp đối với những khách hàng thực sự bị tác động bởi dịch, nhưng cũng phải kiên quyết để chống lại tình trạng lợi dụng dịch bệnh này để có những hành vi tiêu cực. 

Quan điểm chỉ đạo là đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng cường hơn các mối quan hệ với Hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề để sớm nhận được phản hồi, kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ”, ông Đoan nói.

"Không đứng nhìn hay kêu than", nhiều doanh nghiệp du lịch dịch vụ tại Quảng Ninh đang cùng nhau "thắt lưng buộc bụng", tiết giảm chi tiêu, tổ chức đào tạo nhân viên, sửa chữa cơ sở vật chất và xây dựng sẵn chiến lược tìm kiếm đối tác, thị trường mới để có thể tự tin "vực dậy" sau khi hết dịch. Quảng Ninh sẽ chỉ thực sự là điểm đến an toàn nếu chiến thắng dịch bệnh trên cả mặt trận y tế và kinh tế, với “vaccine” là tinh thần kiên cường và vượt khó.

Trường Giang