Dự kiến sẽ có hơn 3 triệu ô tô được giãn chu kỳ kiểm định
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo dự thảo mới nhất Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, sẽ đưa vào quy định miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới mới, chưa qua sử dụng (có năm sản xuất không vượt quá 1 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định). Tức thời gian lưu kho để phương tiện được miễn kiểm định lần đầu sau khi đến tay khách hàng và được đăng ký là 2 năm.
Trong đó, người dân sau khi mua xe sẽ được miễn kiểm định, thời gian bằng đúng chu kỳ đầu kiểm định xe cơ giới, tương đương với 36 tháng đối với xe ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (theo dự thảo mới nhất). Ở Thông tư hiện tại, chu kỳ này là 30 tháng.
Theo tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số ô tô mới năm 2022 khoảng 455.000 xe, dựa theo dự báo gia tăng ô tô hàng năm tại Việt Nam, năm 2023 có khoảng 500.000 xe mới được miễn kiểm định lần đầu.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT mới nhất cũng điều chỉnh chu kỳ kiểm định phù hợp đối với một số loại xe cơ giới tham gia giao thông.
Theo đó, ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, đối với xe sản xuất đến 7 năm, chu kỳ đầu thay đổi tăng lên 36 tháng (trước đây 30 tháng), chu kỳ định kỳ 24 tháng (tăng 6 tháng so với trước đây – 18 tháng). Sản xuất trên 7 năm đến 15 năm chu kỳ đầu và định kỳ là 12 tháng, thời gian sản xuất trên 15 năm chu kỳ đầu và định kỳ là 6 tháng.
Trước đây, chu kỳ này chỉ tính các xe sản xuất từ trên 7 năm đến 12 năm và trên 12 năm.
Đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải vẫn giữ nguyên chu kỳ kiểm định bởi đây là loại xe có cường độ, tần suất hoạt động lớn, vận tải chở khách nên cần được kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn.
"Tại các nước tiên tiến trên thế giới, loại xe này còn có chu kỳ kiểm định ngắn hơn ở Việt Nam", lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.
Đối với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ theo dự thảo mới không còn tính theo loại không cải tạo/cải tạo mà tính theo thời gian sản xuất. Đối với xe có thời gian sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định đầu 24 tháng, chu kỳ định kỳ 12 tháng. Thời gian sản xuất trên 5 năm, chu kỳ đầu và chu kỳ định kỳ là 6 tháng. Đây đa số là xe khách, sử dụng để kinh doanh vận tải.
Chu kỳ kiểm định 3 tháng vẫn giữ trong dự thảo mới tuy nhiên chỉ áp dụng cho ô tô chở người các loại trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên (kể cả ô tô chở người trên 9 chỗ đã cải tạo thành ô tô chở người đến 9 chỗ).
Ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người sản xuất từ 15 năm trở lên được áp dụng chu kỳ kiểm định định kỳ 6 tháng (tăng 3 tháng so với trước đây).
"Sở dĩ phải giữ chu kỳ kiểm định 3 tháng bởi các loại xe được áp dụng đa số là xe khách đã cũ nát sử dụng ở thành phố sau đó đưa về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để hoạt động chở người, chở công nhân, học sinh vô cùng nguy hiểm mà nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh thời gian qua. Việc giữ chu kỳ kiểm định này để kiểm soát chặt chẽ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, vì mục tiêu an toàn của người dân", lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam lý giải.
Theo tính toán Cục Đăng kiểm Việt Nam, số xe được giãn chu kỳ kiểm định sau khi dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021/TT-BGTVT khoảng 3.073.629 xe.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, việc sửa đổi, bổ sung này được xây dựng trên cơ sở thống kê, đánh giá từ cơ sở dữ liệu kiểm định, cập nhật kinh nghiệm chu kỳ kiểm định quốc tế, căn cứ vào tần suất hoạt động của xe, môi trường hoạt động, mục đích sử dụng của từng loại phương tiện để có những điều chỉnh chu kỳ hợp lý.
Việc nghiên cứu được thực hiện hết sức nghiêm túc kéo dài nhiều tháng nay sao cho khi điều chỉnh sẽ phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam dựa trên mục tiêu số 1 là đảm bảo an toàn của phương tiện và người dân, đồng thời nhằm giảm tải nhu cầu kiểm định xe cơ giới, giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình kiểm định.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam chu kỳ kiểm định xe ô tô dựa trên nhiều yếu tố như: năm sản xuất, tần suất sử dụng xe, môi trường hoạt động và không thể thực hiện kéo giãn tất cả các chu kỳ kiểm định bởi có nhiều phương tiện vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn, nhất là xe khách kinh doanh vận tải.
Ngoài ra, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều ô tô con cá nhân đã được chuyển đổi từ xe taxi đã loại biên do quá hạn sử dụng (12 năm) theo quy định của Nghị định số 47/2022/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô).
Tại các nước phát triển như EU, loại xe taxi, xe cứu thương được xếp vào nhóm có chu kỳ kiểm định ngắn nhất do hoạt động với cường độ cao, tần suất lớn nên tuổi thọ của linh kiện, tổng thành giảm sút rất nhanh chóng, tiềm ẩn mất an toàn khi xe tham gia giao thông.
Tuy nhiên, tại Việt Nam các xe taxi đã loại biên này sau khi chuyển đổi thành ô tô cá nhân lại được áp dụng chu kỳ kiểm định như các loại xe cá nhân khác. Đây là vấn đề bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu để có thể đề xuất đưa ra chu kỳ kiểm định phù hợp hoặc có phương án quản lý phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông nói riêng cũng như an toàn xã hội nói chung./