Đủ chiêu 'móc túi' người mua ô tô dịp Tết
Sức nóng thị trường ô tô đang gia tăng khi nhu cầu mua xe dịp Tết cuối năm tăng cao và cũng là thời điểm nhiều đại lý dùng nhiều chiêu để gây áp lực “móc túi” thêm người mua như chậm hoặc không giao xe , tạo khan hiếm hàng để dụ khách trả thêm tiền…
Khách hàng luôn chịu thiệt
Câu chuyện khách hàng đặt cọc nhưng các đại lý thất hứa không giao xe hoặc giao trễ, phải trả thêm tiền xảy ra thường xuyên trên thị trường ô tô Việt Nam. Các đại lý ô tô luôn nắm “đằng chuôi”, còn người mua xe luôn bị đẩy vào thế bị động “nắm dao đằng lưỡi” chịu thiệt về mình.
Anh Trần Quốc (quận 10, TP.HCM) bức xúc khi một đại lý ô tô không giao mẫu xe Honda CRV theo hợp đồng thỏa thuận. Dù được trả lại tiền đặt cọc nhưng anh Quốc cho rằng đại lý đã lừa dối, không tôn trọng khách hàng.
“Tôi đã lựa chọn được xe CR-V ưng ý và đã hoàn thành các thủ tục đặt cọc, ký hợp đồng để lấy xe nhưng sau đó ít ngày đại lý lại gọi điện thoại thông báo là hết xe và gợi ý cho tôi lấy phiên bản khác đắt tiền hơn. Tôi đã không đồng ý với phương án này và đã rút lại tiền đặt cọc, hủy hợp đồng” - anh Quốc chia sẻ.
Mới đây, khi đặt cọc 100 triệu đồng mua mẫu xe nhập khẩu Toyota Fortuner, anh Thành Trung (quận 12, TP.HCM) cho hay vài tuần sau, đại lý lại báo xe anh đặt khó kiếm, nói anh phải trả thêm 100 triệu đồng nữa mới có thể có xe.
Người mua xe nên mặc cả về giá, quyền lợi với đại lý để tránh thiệt thòi. Ảnh: Quang Huy |
Anh Trung cho biết vài người bạn của anh đã chấp nhận bị móc túi thêm để có được mẫu xe này. Riêng anh Trung không đồng ý và được đại lý thông báo trả lại tiền cọc. “Tôi đã yêu cầu đại lý bồi thường khoản tiền gấp đôi tiền cọc theo quy định nhưng phía đại lý lại biện minh đây là trường hợp bất khả kháng. Rất bức xúc vì mất thời gian, mất quyền lợi khách hàng nên tôi lấy tiền cọc và cạch mặt đại lý này” - anh Trung bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ đại lý Hiền Toyota (quận 1, TP.HCM), chỉ ra đây là chiêu bán hàng mất uy tín của một số đại lý kinh doanh ô tô. Các đại lý nắm thóp khách hàng thích các mẫu xe này nên dùng nhiều chiêu câu giờ, hết hàng hay khan hàng để móc túi thêm người mua xe.
Theo bà Hiền, tình trạng này thường xảy ra đối với các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc vì hàng ít, số lượng đơn vị nhập khẩu chính hãng cũng ít nên các đại lý cố tình neo xe để khách hàng nóng ruột phải trả thêm tiền, chọn mẫu đắt tiền hơn để có xe.
“Thường các điều khoản chậm giao xe, không giao xe các đại lý đều gài sẵn trong hợp đồng đặt cọc mua bán xe với khách hàng. Thậm chí đã đặt cọc nhưng giá xe lại ghi tăng theo giá thị trường, theo thuế nên khách hàng đều chịu thiệt” - bà Hiền chia sẻ.
Người mua xe cần đọc kỹ hợp đồng
Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) - Bộ Công Thương vừa thông tin đến NTD một số lưu ý khi mua ô tô trong những ngày cận Tết nguyên đán 2018. Cơ quan này cho biết tâm lý mua ô tô phục vụ Tết và thuế ô tô nhập khẩu trong khu vực ASEAN được giảm từ 30% xuống 0% từ ngày 1-1 đang là những nguyên nhân chính khiến thị trường ô tô những ngày cận Tết nguyên đán 2018 trở nên sôi động.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NTD, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi NTD khuyến cáo một số nội dung cần lưu ý về đặt cọc mua xe, các trường hợp thay đổi giá xe tại thời điểm giao dịch.
Cụ thể, về đặt cọc khi mua ô tô, thông thường khi xe chưa có sẵn tại đại lý, đại lý bán xe sẽ yêu cầu NTD đặt cọc một khoản tiền để xác nhận việc mua xe. Khi không có xe để giao theo hợp đồng đã ký, đại lý giải quyết bằng cách đơn giản là trả lại số tiền đặt cọc cho NTD.
Theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015, nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trong quá trình đặt cọc và ký hợp đồng đặt cọc, NTD nên đọc kỹ các quy định trong biên bản thỏa thuận đặt cọc giữa hai bên. Trong trường hợp không có thỏa thuận nào khác, khi đại lý đã nhận tiền đặt cọc mà không có xe để bán cho NTD thì đại lý phải trả lại số tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương với số tiền mà NTD đã đặt cọc… Theo quy định của pháp luật, đại lý xe đã nhận tiền đặt cọc mà không có xe để bán cho NTD thì phải bồi thường gấp đôi số tiền đã đặt cọc.
“Ví dụ, người mua xe đặt cọc 100 triệu đồng để mua ô tô mà đại lý không thực hiện đúng giao dịch, đại lý phải trả NTD khoản tiền tương ứng 200 triệu đồng” - Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi NTD dẫn chứng.
Nói thêm về vấn đề này, luật sư Trần Xoa, Công ty Luật Minh Đăng Quang, khuyến nghị trước khi ký hợp đồng với đại lý, NTD cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Nếu phát hiện các điều khoản với nội dung cho phép thay đổi giá tại thời điểm giao xe, NTD có thể yêu cầu đại lý loại bỏ các điều khoản này ra khỏi hợp đồng hoặc thỏa thuận giá có lợi cho mình.