|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dù bị cấm nhưng Facebook vẫn tìm cách kiếm được rất nhiều tiền tại Trung Quốc

14:02 | 20/11/2023
Chia sẻ
Phần lớn doanh thu quảng cáo của công ty mẹ Facebook đến từ các khách hàng tại Trung Quốc.

Không một nền tảng nào của Meta - công ty mẹ Facebook, từng có mặt trên Great Firewall (hệ thống tường lửa trên không gian mạng của Trung Quốc) nhưng điều đó không có nghĩa là tập đoàn này không thể kiếm tiền tại đất nước tỷ dân, theo Rest of World.

Sự thật này đã được tiết lộ trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư gần đây của Meta. Qua đó cho thấy phần lớn tăng trưởng gần đây đến từ doanh thu quảng cáo tại Trung Quốc. Tất nhiên, Meta không thể phân phối quảng cáo cho bất kỳ người dùng nào tại Trung Quốc đại lục. Nhưng có rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang cố gắng bán hàng cho những khách hàng trên thị trường quốc tế.

Những doanh nghiệp này có thể là sàn thương mại điện tử Shein, hay các doanh nghiệp trong ngành game di động đang phát triển mạnh tìm cách ra nước ngoài. Đối với cả hai loại hình doanh nghiệp này, Facebook hoá ra lại là một kênh khá tốt để quảng cáo và tiếp cận tới khách hàng.

 Ảnh minh hoạ: Getty.

“Doanh thu quảng cáo tại Bắc Mỹ đã tăng tốc lên 7 điểm, phần lớn dựa vào nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà quảng cáo Trung Quốc”, Giám đốc tài chính Meta, bà Susan Li, cho biết.

“Trong đó, Brazil là một thị trường đóng góp lớn. Một phần do nhu cầu gia tăng từ các nhà quảng cáo Trung Quốc, hướng mục tiêu đến đối tượng người dùng ở Brazil”, bà nói thêm.

Điều này thực sự là tin tốt cho Meta, nhưng có một mặt trái đáng ngại đối với doanh thu đang tăng này. Sau nhiều thập kỷ thương mại mở cửa, Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu rời xa nhau trước những căng thẳng ngày càng gia tăng từ cả hai phía.

Việc đối đầu trong thương mại giữa hai nước thường được đánh giá là có ảnh hưởng lớn tới các công ty thiên về phần cứng như Apple hoặc Tesla - hoạt động phụ thuộc vào chuỗi cung ứng xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Meta - một công ty phần mềm, cũng góp mặt trong cuộc chiến này, và được dự báo sẽ mất nhiều thứ nếu hai quốc gia thêm căng thẳng.

Không khó để tưởng tượng ra một kịch bản trong đó Meta đột ngột phải cắt đứt doanh số bán hàng quảng cáo ở Trung Quốc. Trên thực tế, công ty đã nêu rõ nguy cơ về kịch bản này trong các báo cáo tài chính.

“Chúng tôi tạo ra doanh thu đáng kể từ một số ít đại lý bán hàng phục vụ các nhà quảng cáo có trụ sở tại Trung Quốc, và có thể Bắc Kinh sẽ có hành động làm giảm hoặc loại bỏ doanh thu quảng cáo của chúng tôi tại đây, cho dù đó là hệ quả của cuộc chiến thương mại với Mỹ hay những yêu cầu về mặt thông tin ở Hong Kong hoặc ở nơi khác, vì những lý do khác”, Meta viết.

Cảnh báo dạng này lần đầu tiên xuất hiện trong tài liệu ngày 26/4/2018 - chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về thuế quan của chính quyền cựu Tổng thống Trump. 

Thuế quan là một dấu hiệu ban đầu cho thấy sự đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở nên nghiêm trọng như thế nào, và rõ ràng Meta đã rất coi trọng vấn đề này. 5 năm sau, những thuế quan này vẫn được áp dụng (bất chấp những nỗ lực hết sức của WTO) và mối quan hệ không thể tách rời giữa ngành sản xuất Trung Quốc và hàng tiêu dùng Mỹ vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Mối đe dọa sắp xảy ra nhất không phải là lệnh cấm hoàn toàn mà là việc thắt chặt dần dần các quy định xuất khẩu - đặc biệt là các quy tắc khiến hoạt động thương mại điện tử giá rẻ ở nước ngoài mang lại nhiều lợi nhuận.

Những người theo trường phái bảo thủ tại Trung Quốc hay Mỹ đã thúc đẩy việc thắt chặt các quy định đó. Họ kêu gọi sự kết hợp giữa chủ nghĩa bảo hộ kinh tế và lợi ích an ninh quốc gia mơ hồ, theo Rest of World.

Nếu những quy định này trở thành hiện thực, thiệt hại sẽ không chỉ giỡi hạn ở các nhà bán lẻ Trung Quốc như Shein hay Temu. Nó cũng sẽ ảnh hưởng đến các nền tảng họ sử dụng để tiếp thị hàng hóa ở nước ngoài - các nền tảng phần lớn thuộc sở hữu các công ty công nghệ lớn của Mỹ.

Đây là lời nhắc nhở về sự phức tạp của thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như sự hỗn loạn như thế nào khi tháo gỡ nó. Không chỉ đơn giản là hàng hóa Trung Quốc được bán cho khách hàng Mỹ hay các nhà máy ở Thâm Quyến phải chuyển sang Việt Nam.

Trong 40 năm qua, toàn bộ ngành công nghiệp đã được xây dựng dựa trên nền tảng kinh tế của thương mại xuyên Thái Bình Dương. Bây giờ những ngành công nghiệp đó đang được định hình lại theo những cách không thể đoán trước. 

Và đối với các công ty như Meta, sẽ rất khó để tránh khỏi thiệt hại.

Đức Huy (theo Rest of World)