Dự báo kết quả kinh doanh của Hoa Sen tích cực trong quý II và III
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết tiêu thụ thép phẳng ở châu Âu và Bắc Mỹ đã trở nên mạnh mẽ hơn do kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi sau khi có vắc xin COVID-19.
Bên cạnh đó, giá thép phẳng đang chênh lệch lớn giữa Việt Nam và các thị trường này, dẫn đến nhu cầu về cao hơn đối với tôn mạ Việt Nam.
Ngoài ra, việc EU áp hạn ngạch nhập khẩu lên thép Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đã tạo dư địa cho các nhà sản xuất Việt Nam kể từ nửa sau năm 2020. Vì vậy, sản lượng xuất khẩu của Hoa Sen đã tăng mạnh từ tháng 7/2020.
Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy trong tháng 2, Hoa Sen bán ra tổng cộng 141.500 tấn tôn mạ và 27.000 tấn ống thép, trong đó sản lượng xuất khẩu lần lượt là 117.500 tấn và 3.900 tấn. Tổng sản lượng xuất khẩu hơn 121.000 tấn này là mức cao nhất trong gần ba năm qua của Hoa Sen.
VDSC cho biết công ty đã nhận đủ đơn đặt hàng tôn mạ từ nước ngoài cho đến tháng 6/2021. Dây chuyền cán nguội của Hoa Sen được dự báo sẽ hoạt động hết công suất trong niên độ tài chính 2020-2021 (từ đầu tháng 10/2020 đến hết tháng 9/2021), tương đương với mức 2 triệu tấn/năm.
Trong cả năm 2021, VDSC kỳ vọng sản lượng tôn mạ và ống thép của Hoa Sen sẽ lần lượt đạt 1,6 triệu tấn và 420.000 tấn, tăng tương ứng 35% và 11,5% so với năm trước.
Xuất khẩu nhiều khả năng sẽ chiếm 66% tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ của Hoa Sen trong niên độ này, tăng so với niên độ trước.
Do tình trạng khan hiếm thép cuộn cán nóng (HRC) ở châu Âu, Hoa Sen có thể đạt biên lợi nhuận gộp cao hơn, khoảng 13,5% tại thị trường này, tăng khoảng 1,5 điểm phần trăm so với quý IV niên độ 2019-2020. Biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen tại thị trường trong nước vẫn cao hơn đáng kể, đạt 20 - 21%.
Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) thì đánh giá Hoa Sen có thể mở rộng biên lợi nhuận khi giá HRC tăng nhanh từ quý III/2020.
HRC là nguyên liệu đầu vào để sản xuất tôn mạ và ống thép. Năm ngoái, Hoa Sen đã mua được một lượng lớn HRC giá rẻ nên giảm được chi phí sản xuất.
Trong quý IV/2020 và quý I/2021, giá HRC đạt lần lượt 640 USD/tấn và 712 USD/tấn. MASVN cho biết biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen trong quý IV/2020 là 16,7% (so với 13,2% trong quý IV/2019) và vào quý I/2021 là 16,4% (so với 14,5% trong quý I/2020).
Nhu cầu lớn từ ngành xây dựng thế giới hồi phục sau dịch nhưng nguồn cung từ lò cao chưa hồi phục tương ứng sau khi tạm ngừng trong năm 2020 được dự báo sẽ tiếp tục đẩy giá HRC lên mức trên 820 USD/tấn trong năm 2021.
Việt Nam hiện nay có hai nhà sản xuất HRC là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) và Formosa Hà Tĩnh. Trong hai tháng đầu năm, hai doanh nghiệp này cho ra lò tổng cộng 1,12 triệu tấn HRC, bán 1,22 triệu tấn.