|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo giá heo hơi ngày 23/4, xu hướng tăng sẽ tiếp diễn ở nhiều địa phương?

18:30 | 22/04/2024
Chia sẻ
Giá heo hơi hôm nay (22/4) tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Ngành chăn nuôi cần sẵn sàng trước rủi ro tăng giá nguyên liệu cuối quý II/2024.

Giá heo hơi hôm nay tăng rải rác ở nhiều nơi

Thị trường heo hơi miền Bắc tăng 1.000 đồng/kg tại ba tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên và Phú Thọ cùng nâng giá heo hơi lên mức cao nhất là 63.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại duy trì giao dịch heo hơi trong khoảng 61.000 - 62.000 đồng/kg. 

Khu vực miền Trung, Tây Nguyên chứng kiến giá heo hơi tăng đến 2.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi tăng 1.000 đồng/kg, heo hơi tại khu vực các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hòa đang giao dịch chung mức 60.000 đồng/kg. Cùng mức tăng trên, giá heo hơi tại Đắk Lắk và Bình Thuận lần lượt là 61.000 đồng/kg và 63.000 đồng/kg. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, thương lái thu mua heo hơi tại mức 61.000 đồng/kg - tăng 2.000 đồng/kg.

Giá heo hơi miền Nam tương đối ổn định. Ngoại trừ Sóc Trăng nâng giá heo hơi lên mốc 60.000 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg), các địa phương còn lại giao dịch heo hơi quanh mốc trung bình 61.000 đồng/kg.

Một số chuyên gia cho rằng giá heo hơi có thể tăng mạnh vào ngày mai do một số tỉnh thành trên cả nước đang trên đà tăng tốc.

Ảnh: Lạc Yên

Ngành chăn nuôi cần sẵn sàng trước rủi ro tăng giá nguyên liệu cuối quý II/2024

Trong khi một số ngành sản xuất khác vẫn đang loay hoay tìm giải pháp, ngành chăn nuôi Việt Nam đang có tiềm năng phát triển khá rộng, nhờ các chính sách hướng tới hỗ trợ phát triển quy mô doanh nghiệp thay vì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài vẫn là mối nguy lớn của ngành khi đối mặt với biến động trên thị trường quốc tế.

Vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi hầu hết các nguyên liệu quan trọng như con giống, thức ăn, và dinh dưỡng đều cần nhập khẩu. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất, làm cho sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam trở nên khó cạnh tranh với các đối thủ quốc tế hay gần hơn là các doanh nghiệp FDI.

Quay trở lại bức tranh của toàn ngành trong 3 tháng đầu năm, chúng ta thấy được phần lớn áp lực cho các doanh nghiệp hạ nhiệt nhờ mức giảm của chi phí nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong quý I/2024, Việt Nam nhập khẩu 4,85 triệu tấn, tương đương 1,65 tỷ USD, dù tăng 6,4% về khối lượng nhưng lại giảm mạnh 12,3 % về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các loại nguyên liệu chính bao gồm: Ngô, lúa mì, khô đậu tương.

Như vậy, việc giá nguyên liệu thế giới giảm mạnh đã đóng góp cho mức tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong quý I/2024. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của ngành vào hoạt động nhập khẩu cũng đặt ra câu hỏi về sự phát triển bền vững và ổn định nếu như giá nông sản quốc tế tăng trở lại. Đặc biệt, cuối quý II lại càng là giai đoạn quan trọng mà các doanh nghiệp cần lưu ý bởi giá các mặt hàng thường biến động mạnh, theo báo Chính Phủ.

Lạc Yên