Dự báo giá heo hơi ngày 23/2: Các tỉnh thành điều chỉnh tăng?
Giá heo hơi hôm nay cao nhất 58.000 đồng/kg
Thị trường heo hơi miền Bắc dao động trong khoảng 56.000 - 57.000 đồng/kg. Cụ thể, giá heo hơi tại Lào Cai, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và Ninh Ninh cùng giảm 1.000 đồng/kg, ghi nhận trong khoảng 56.000 - 57.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại có giá đi ngang không đổi so với ngày hôm qua.
Giá heo hơi tại miền Trung, Tây Nguyên trái chiều. Trong đó, các tỉnh Thanh Hóa giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, xuống còn 56.000 đồng/kg. Trái lại, heo hơi tại Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Khánh Hòa đang được thu mua với giá 55.000 đồng/kg sau khi tăng nhẹ 1.000 đồng/kg. Cùng mức tăng trên, tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh giá heo hơi lên mức 58.000 đồng/kg - cao nhất khu vực. Tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, giá heo hơi đồng loạt tăng 2.000 đồng/kg, tương ứng với mức 56.000 đồng/kg và 58.000 đồng/kg.
Ở khu vực phía Nam, giá heo hơi hôm nay tăng rải rác. Cụ thể, sau khi tăng 1.000 đồng/kg, các tỉnh Đồng Nai, TP HCM, Tây Ninh, Vũng Tàu, Đồng Tháp, Cà Mau và Tiền Giang điều chỉnh giá heo hơi lên mức 54.000 - 58.000 đồng/kg tùy khu vực.
Một số chuyên gia cho rằng giá heo hơi có thể tăng vào ngày mai do có nhiều biến động tích cực trên thị trường.
Trà Vinh tái phát dịch tả heo châu Phi
Bà Thạch Thị Sa Thy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, ngay sau khi có kết quả thông báo của Chi cục Thú y Vùng 7 mẫu bệnh phẩm của đàn heo dương tính với virus dịch tả heo châu Phi, cùng với việc công bố dịch bệnh, địa phương đã phối hợp với cơ quan chuyên môn khẩn trương thực hiện các biện pháp dập dịch theo quy định, khống chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Đây là ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên của năm 2024 và sau khoảng 3 tháng tỉnh Trà Vinh kiểm soát được dịch bệnh này, theo trang baotintuc.vn.
Hiện ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với ngành chức năng, các địa phương tăng cường giám sát dịch tả heo châu Phi, nhất là tại các khu vực ổ dịch cũ, nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời khi có ổ dịch phát sinh. Đồng thời tăng cường kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật xuất, nhập tỉnh; kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn; kiểm tra hoạt động giết mổ, vận chuyển, mua bán lợn và sản phẩm từ heo, không để tình trạng mua bán, giết mổ heo bệnh mang ra bán tại các chợ làm lây lan dịch bệnh.
Các đơn vị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, hướng dẫn người chăn nuôi nhận thức đầy đủ về tính chất nguy hại và lây lan của dịch tả heo châu Phi. Người dân chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán, giết mổ, vứt xác heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường tự nhiên; tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh lưu hành trong môi trường, nhất là tại các vùng ổ dịch cũ, cơ sở thu gom, buôn bán, giết mổ động vật…