|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo giá heo hơi ngày 1/4: Lặng sóng trên diện rộng?

18:30 | 31/03/2023
Chia sẻ
Giá heo hơi hôm nay (31/3) ổn định ở các địa phương. Lợi ích từ chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Giá heo hơi hôm nay thấp nhất 48.000 đồng/kg

Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc không ghi nhận biến động mới. Theo đó, các địa phương bao gồm Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình tiếp tục thu mua heo hơi với giá 48.000 đồng/kg. Heo hơi tại các tỉnh, thành còn lại vẫn được thu mua với giá trong khoảng 49.000 - 50.000 đồng/kg.

Cùng lúc, giá heo hơi tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên lặng sóng. Trong đó, hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận duy trì thu mua heo hơi với giá cao nhất khu vực là 51.000 đồng/kg. Thương lái tại các địa phương bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi đang giao dịch ở mức 48.000 đồng/kg. 49.000 - 50.000 đồng/kg là khoảng giá được chứng kiến tại các địa phương còn lại.

Thị trường heo hơi tại miền Nam ổn định. Cụ thể, 52.000 là mức giao dịch cao nhất khu vực, tiếp tục được chứng kiến tại Cà Mau và Vũng Tàu. Heo hơi tại các địa phương bao gồm Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Kiên Giang đang được thu mua với giá 51.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại đang giao dịch ở mức 50.000 đồng/kg.

Một số chuyên gia cho rằng giá heo hơi có thể tiếp tục lặng sóng vào ngày mai do thị trường chưa có chuyển biến mới.

Ảnh minh họa: Anh Thư

Lợi ích từ chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn

Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) không chỉ giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người chăn nuôi, mà còn góp phần quan trọng vào việc giải bài toán về xử lý chất thải trong chăn nuôi để bảo vệ môi trường.

Theo Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, những năm qua, ngành chăn nuôi nước ta đã có sự tăng trưởng khá mạnh cả về đàn vật nuôi và sản lượng vật nuôi. Hiện cả nước có đàn heo hơn 28,8 triệu con, đàn trâu bò hơn 8,9 triệu con và gia cầm hơn 533 triệu con. 

Với đàn vật nuôi lớn thì cũng tạo ra lượng phát thải lớn cần phải xử lý để đảm bảo cho môi trường. Qua thống kê, lượng chất thải chăn nuôi vào năm 2021 đã đạt 62,2 triệu tấn chất thải rắn và 303,5 triệu tấn chất thải lỏng.

Theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi cần gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi KTTH trong nông nghiệp. Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp phải được coi là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả, theo báo Cần Thơ.

Hiện các mô hình KTTH trong ngành chăn nuôi đã xuất hiện ngày càng nhiều tại các địa phương trong nước và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, đặc biệt nó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường. Điển hình như mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm an toàn sinh học theo chu trình khép kín, chất thải trong trại nuôi được thu gom, xử lý để sản xuất khí đốt, điện và phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt, hay mô hình nuôi thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước…

Anh Thư