|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo giá heo hơi ngày 12/9: Một số tỉnh, thành quay trở lại đà tăng?

19:34 | 11/09/2024
Chia sẻ
Thị trường heo hơi hôm nay đồng loạt lặng sóng tại cả ba miền. Một số chuyên gia dự báo giá heo hơi ngày mai sẽ trở lại đà tăng do tình hình mưa lũ kéo dài tại miền Bắc có thể khiến nguồn cung giảm.

Giá heo hơi hôm nay ổn định trên cả nước, cao nhất 67.000 đồng/kg

Tại phiên sáng nay, thị trường heo hơi không ghi nhận sự điều chỉnh mới. Cụ thể, Hà Nội vẫn giữ mức giá 67.000 đồng/kg cao nhất khu vực và cả nước. Ngược lại, tỉnh Ninh Bình đang giao dịch tại giá 64.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.

Heo hơi tại các tỉnh Lào Cai, Nam Định, Hà Nam có giá thu mua 65.000 đồng/kg. Thương lái tại các địa phương còn lại duy trì giao dịch heo hơi với giá 66.000 đồng/kg. 

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thị trường heo hơi cũng đồng loạt lặng sóng. Trong đó, mức giá cao nhất khu vực là 66.000 đồng/kg, tiếp tục được ghi nhận tại Thanh Hoá.

Ngoại trừ Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình vẫn neo ở mức 64.000 đồng/kg, các địa phương khác đang giao dịch trong khoảng 62.000 - 63.000 đồng/kg.

Thị trường heo hơi miền Nam hôm nay cũng đứng yên theo xu hướng chung. Theo đó, heo hơi tại Bình Dương và Cà Mau đang được thu mua với giá cao nhất khu vực là 65.000 đồng/kg. Các địa phương khác tiếp tục có giá thu mua trong khoảng 62.000 - 64.000 đồng/kg. 

Nhìn chung, thị trường heo hơi hôm nay bắt đầu chững giá tại cả ba miền. Hiện tại, ngoài Hà Nội đang giao dịch ở ngưỡng 67.000 đồng/kg, giá khảo sát trên các địa phương dao động trong khoảng 62.000 - 66.000 đồng/kg.

Một số chuyên gia dự báo giá heo hơi ngày mai sẽ trở lại đà tăng do tình hình mưa lũ kéo dài tại miền Bắc có thể khiến nguồn cung giảm.

Cần tiêm phòng đầy đủ cho gia súc, gia cầm tại nơi từng xảy ra lũ lụt

Theo Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam, Bộ NN&PTNT vừa có công điện số 6641 về việc chủ động phòng, chống dịch bệnh đàn vật nuôi sau mưa, lũ gửi UBND các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ban ngành và các đơn vị có liên quan của địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi đợt mưa, lũ kết thúc để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường.

Về phía người chăn nuôi, phải thường xuyên thực hiện vệ sinh khu vực chăn nuôi và dụng cụ chăn nuôi; thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi không để gây ô nhiễm môi trường. Trường hợp xảy ra úng ngập, di dời đàn vật nuôi lên vị trí cao hơn; khi nước rút phải thực hiện ngay vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng nuôi, đồng thời bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết cho đàn vật nuôi. Đồng thời, rà soát, tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm theo đúng quy định, đặc biệt đối với đàn gia súc, gia cầm tại nơi đã từng xảy ra dịch bệnh, nơi có nguy cơ cao, nơi bị lũ lụt...

Tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như Dịch tả heo châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục ở trâu bò, Tai xanh.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT yêu cầu người dân không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết; không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.

Anh My