|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo giá heo hơi dựa trên biến động của thị trường Trung Quốc

17:26 | 06/05/2019
Chia sẻ
Ngày 4/5, Ủy ban Nhân dân huyện Trảng Bom chính thức công bố dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện trên địa bàn xã Đồi 61. Như vậy, sau 4 tháng bùng phát tại phía bắc Việt Nam, virus gây tử vong cao tại heo đã lây lan vào khu vực phía nam.

Ý thức phòng chống chưa nghiêm túc khiến công tác ngăn chặn dịch bệnh gặp nhiều khó khăn

Mặc dù đã có ba địa phương công bố hết dịch ASF, gồm Hòa Bình, Bắc Kạn và Thanh Hóa, nhưng diễn biến dịch bệnh tại các địa phương phía bắc như Thái Bình, Lai Châu, Hải Phòng vẫn hết sức phức tạp.

Tại Hải Phòng, từ ngày 22/4 đã phát hiện hơn 200 trăm con heo chết trôi trên sông Hóa thuộc địa bàn 3 xã Cổ Am, Tam Cường, Vĩnh Tiến (huyên Vĩnh Bảo).

Theo Sở NN&PTNT TP HCM, tuy hiện tượng heo từ phía bắc đi vào miền Nam đã giảm nhưng vẫn còn heo từ các tỉnh miền trung đi về miền tây với số lượng ước khoảng 1.300 - 1.500 con mỗi ngày.

Báo Đồng Nai cho biết trung bình mỗi ngày có từ 10 - 12 xe (khoảng 1.800 con heo) từ các tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Bình Thuận … đi qua địa bàn Đồng Nai vào Nam.

Trong khi, hôm 4/5, các lực lượng chức năng thuộc thị xã Bỉm Sơn và Nông Cống (Thanh Hóa) đã bắt giữ 311 con heo có dấu hiệu làm giả giấy tờ kiểm dịch với mục đích vận chuyển vào Nghệ An, Đồng Nai để tiêu thụ.

Số heo này sau khi được lấy mẫu xét nghiệm đều dương tính với dịch ASF. Có thể thấy đây là hai trường hợp không may bị bắt giữ, còn trước đó có thể có nhiều trường hợp "lọt lưới" khác chưa được phát hiện. 

Những hành động trên khiến sự lây lan của virus ASF, vốn chưa có vacxin và thuốc chữa bệnh, vào miền Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. 

Và cũng trong ngày 4/5, Ủy ban Nhân dân huyện Trảng Bom đã chính thức công bố dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện trên địa bàn xã Đồi 61. Như vậy, sau 4 tháng bùng phát tại phía bắc Việt Nam, dịch bệnh đã lan vào miền Nam Việt Nam. 

Sau khi ổ dịch đầu tiên được báo cáo vào giữa tháng 2 tại Hưng Yên và Thái Bình, tính đến giữa tháng 3, virus ASF đã lây lan tới 23 tỉnh, thành thuộc miền Bắc và miền Trung và tính đến đầu tháng 4 có hơn 70.000 con heo bị tiêu hủy. 

Với khả năng lây lan nhanh chóng và công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn, TP HCM đang gặp rủi ro rất lớn. 

Dự báo giá heo hơi dựa trên diễn biến giá tại Trung Quốc

Theo dữ liệu tổng hợp, Trung Quốc mất khoảng 7 tháng để lây lan ra khắp quốc gia này kể từ khi trường hợp đầu tiên được xác nhận vào tháng 8 năm ngoái.

Dự báo giá heo hơi dựa trên biến động của thị trường Trung Quốc - Ảnh 2.

Nguồn: Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), không bao gồm lây lan ở heo rừng.

Sau khi dịch ASF bùng phát tại Trung Quốc, giá heo hơi tại quốc gia này đã tăng mạnh trong hai tháng đầu tiên và sau đó giảm trở lại, với nguyên nhân chính là người tiêu dùng lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm, dù OIE cho biết dịch ASF không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. 

Dự báo giá heo hơi dựa trên biến động của thị trường Trung Quốc - Ảnh 3.

Biến động giá heo hơi tại Trung Quốc năm 2018 - 2019. Nguồn: caaa.cn

Sau khi giảm sâu xuống còn khoảng 11 nhân dân tệ/kg vào tháng 2/2019, giá heo hơi trên toàn Trung Quốc đã tăng mạnh trở lại (khoảng 36,4%) vào tháng 4 lên 15 nhân dân tệ/kg vì nguồn cung thiếu hụt và thịt heo vẫn là nguồn protein chính tại quốc gia đông dân nhất thế giới. 

Trung Quốc đã tiêu hủy gần 1 triệu con heo vì dịch ASF. 

Với việc dịch ASF đã xuất hiện tại miền Nam Việt Nam, ước tính tháng 4, đàn heo cả nước đã giảm 0,8% so với cùng kì năm trước. Cùng với đó thịt heo cũng là loại protein được người tiêu dùng ưa chuộng vì giá thành và có thể chế biến thành nhiều món, vì vậy giá heo hơi tại Việt Nam dự kiến cũng sẽ tăng mạnh trong thời gian sắp tới.

Hiện, giá heo hơi tại Đồng Nai đang dao động ở mức 36.000 - 37.000 đồng/kg, giảm 4.000 - 5.000 đồng/kg so với tuần trước. Các tỉnh miền Bắc báo giá phổ biến ở 30.000 - 32.000 đồng/kg.

Dự báo giá heo hơi dựa trên biến động của thị trường Trung Quốc - Ảnh 4.

Diễn biến giá heo hơi tại Việt Nam trong ba tháng đầu năm. Nguồn: Tổng hợp thị trường.


Tố Tố

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.