|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dự báo gặp nhiều thách thức năm 2023, Hóa chất Đức Giang đặt kế hoạch lãi quý I giảm hơn một nửa so với cùng kỳ

17:47 | 02/02/2023
Chia sẻ
Nếu đạt được kế hoạch 700 tỷ đồng cho quý I/2023, đây sẽ là quý thứ ba liên tiếp Hóa chất Đức Giang ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận âm. Một trong các nguyên nhân là giá bán và nhu cầu phốt vàng - mảng đóng góp chính vào doanh thu của DGC giảm sút.

Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) vừa thông qua kế hoạch kinh doanh quý I/2023 với tổng doanh thu hợp nhất là 2.578 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 700 tỷ, lần lượt giảm 29% và giảm 54% so với kết quả cùng kỳ năm trước.

Còn so với kết quả quý IV/2022, kế hoạch trên lần lượt giảm 17% về doanh thu và giảm 38% về lợi nhuận.

Quý IV/2022 là quý thứ hai liên tiếp DGC ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với quý liền trước và là quý đầu tiên ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước sau 4 quý liên tiếp đạt mức tăng trưởng mạnh. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của DGC).

Phốt pho vàng là mảng đóng góp nhiều nhất trong cơ cấu doanh thu thuần của DGC. Nhận định về thị trường phốt pho vàng trong năm 2023, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dẫn lời ban lãnh đạo DGC cho biết trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra, nhu cầu điện tử có thể sụt giảm mạnh năm sau.

Nhiều nhà sản xuất chips và chất bán dẫn (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ) lên kế hoạch giảm sản lượng do lo ngại tồn kho lớn và rủi ro dư cung từ quý IV/202 đến nửa đầu năm sau.

DGC dự kiến sẽ giảm giá bán, đồng thời giảm sản lượng xuất khẩu phốt pho vàng trong năm 2023. Giá bán dự kiến neo ở 4.500 – 6.000 USD/tấn, giảm 10% - 30% so với 2022.

Bù lại cho lượng xuất khẩu phốt pho vàng giảm, đồng thời biên lãi gộp của LCD (axit photphoric cấp điện tử) cao hơn phốt pho vàng, DGC dự kiến đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu LCD sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc trong năm 2023.

Về mảng phân bón, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ phân bón nội địa đang ở mức thấp, DGC sẽ đẩy mạnh xuất khẩu phân bón sang các quốc gia ASEAN, Indonesia, Philipines, Ấn Độ, Bangladesh do nguồn cung phân bón thế giới vẫn kém do Nga và Trung Quốc - hai quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới đang áp hạn ngạch xuất khẩu các loại phân bón quan trọng. Đồng thời, năm 2023, Nhà máy NPK của DGC sẽ đi vào hoạt động, dự kiến khai thác 10.000 tấn/năm cũng sẽ là động lực cho sự tăng trưởng doanh thu của DGC.

Ban lãnh đạo công ty cũng chia sẻ về việc dự án Nghi Sơn chậm tiến độ so với dự kiến, chậm nhất tháng 6/2023 sẽ khởi công giai đoạn 1 và khoảng một năm sau sẽ đi vào hoạt động. Với nguồn tiền gửi tiết kiệm khoảng 8.000 tỷ đồng, công ty đang cân nhắc sử dụng hợp đồng vay với Ngân hàng HSBC (vay USD) trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang neo ở mức cao.

Về Khai trường 25 - dự án khai thác quặng apatit, DGC hiện đang tiết kiệm 50-60% chi phí mua quặng, công ty có kế hoạch nâng mức tự chủ nguyên liệu đầu vào từ 70-80% trong thời gian tới.

Theo kế hoạch quý I/2023, DGC sẽ dành 20 tỷ đồng để hoàn thành hệ thống xử lý gypsum (một loại khoáng vật trầm tích hay phong hóa rất mềm). 50 tỷ đồng DGC dự định đầu tư cho dự án phân bón ở Đăk Nông.

Nhìn chung, BVSC đánh giá DGC sẽ khó bứt phá năm 2023 do mảng mảng phốt pho vàng, mảng đóng góp hơn 50% doanh thu của công ty có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm. Trong khi đó, mảng phân bón cũng khó tăng mạnh do thừa cung. Còn dự án Nghi Sơn mức đầu tư 12.000 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động chậm hơn so với kế hoạch. 

Minh Hằng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.