Dự án thu phí không dừng: cần tổ chức đấu thầu
Thu phí không dừng được coi là một giải pháp công nghệ để giảm ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí. Ảnh: MAI LƯƠNG
Thời gian gần đây, dự án thu phí không dừng tại các trạm thu phí đường bộ BOT mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang triển khai nhận được sự quan tâm của một số nhà đầu tư có tên tuổi. Sau khi xin và được Chính phủ cho phép chỉ định thầu, Bộ GTVT đã chỉ định liên danh Tasco - VETC làm nhà đầu tư dự án thu phí không dừng (giai đoạn 1), áp dụng với 28 trạm thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và quốc lộ 1 (với tổng mức đầu tư 1.524 tỉ đồng, theo hình thức BOO, tức xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Sau đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng gửi đề án đến Bộ GTVT mong muốn làm nhà đầu tư trong các giai đoạn tiếp theo. Trong đó, có hai tên tuổi đáng chú ý là Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ hạ tầng Viettin (liên danh giữa Công ty cổ phần Đèo Cả và VietinBank) và tập đoàn Viettel.
Chỉ định thầu đã bộc lộ hạn chế
Sở dĩ dự án này nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư vì lợi nhuận thu về không phải là nhỏ và cơ chế ưu đãi cũng rất hậu hĩnh.
Hãy nhìn vào các ưu đãi mà Bộ GTVT dành cho liên danh Tasco - VETC (Quyết định số 4390): trong ba năm đầu tiên (từ năm 2016), nhà đầu tư sẽ thu khoảng 3,5 tỉ đồng cho mỗi làn thu phí không dừng; từ năm thứ tư đến năm thứ tám, giá dịch vụ thu phí tự động bằng 8% tổng doanh thu của trạm; từ năm thứ chín đến năm thứ 13, bằng 9% tổng doanh thu của trạm và từ năm thứ 14 trở đi, bằng 10% tổng doanh thu của trạm. Thời gian nhà đầu tư cung cấp dịch vụ thu phí không dừng được hưởng bằng với thời gian thu phí các dự án BOT, dự kiến vào khoảng 20 năm. Như vậy, Tasco - VETC được hưởng từ 8-10% tổng doanh thu phí của các dự án BOT trong gần 20 năm.
Không những thế, trong trường hợp mức thu tại các trạm thu phí không đủ bù đắp vốn đầu tư, nhà đầu tư còn được Bộ GTVT cho phép kéo dài thời gian thu phí để bù đắp cho đến khi thu đủ số vốn mà nhà đầu tư đã bỏ ra. Có thể thấy việc đầu tư dự án này là không có rủi ro vì được đảm bảo thu hồi vốn.
Khi được hỏi lý do chưa ký hợp đồng thu phí không dừng với nhà cung cấp dịch vụ, một nhà đầu tư BOT cho biết, Tasco - VETC đóng vai trò như công ty thu phí hộ mà được hưởng từ 8-10% doanh thu thu phí của doanh nghiệp BOT là quá cao (cao hơn cả thu phí thủ công).
Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện cả nước có 86 trạm thu phí, trong đó 72 trạm thu phí do Bộ GTVT có thẩm quyền ký hợp đồng và 14 trạm thuộc sự quản lý của các tỉnh, thành phố. Ngoài 28 trạm đã giao cho liên danh Tasco - VETC đầu tư giai đoạn 1 và một số trạm đã áp dụng hình thức thu phí không dừng thì còn tới khoảng hơn 50 trạm chưa có nhà đầu tư. Theo lộ trình được Bộ GTVT công bố, giai đoạn 2016-2019 sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng trên 1-2 làn thu phí mỗi chiều xe chạy. Và đến năm 2020, toàn bộ các trạm thu phí trên cả nước sẽ thu phí không dừng. Chính vì vậy, đây được coi là mảnh đất màu mỡ mà nhiều nhà đầu tư muốn nhảy vào canh tác.
Thu phí không dừng được coi là một giải pháp công nghệ để giảm ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí. Do việc thu phí tại các các dự án BOT kéo dài hàng chục năm nên cần phải chọn được công nghệ tốt, giá thành phù hợp và quan trọng nhất là phải sử dụng thống nhất cho tất cả các trạm thu phí trên cả nước. Việc chỉ định thầu mà không qua đấu thầu đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế, bất cập khi Bộ GTVT đưa ra mốc thời gian 30-6-2016, nhà đầu tư phải lắp đặt xong một nửa số làn thu phí không dừng tại 28 trạm (có nghĩa là 28 trạm này một nửa thu phí không dừng, nửa thu phí thủ công). Tuy nhiên, Tasco - VETC “đòi” được bổ sung thêm 15 triệu đô la Mỹ (tương đương hơn 300 tỉ đồng) vào tổng mức đầu tư dự án vì phải huy động một lượng lớn chuyên gia nước ngoài nên phát sinh chi phí.
Bộ GTVT từ chối việc “đòi” tăng 15 triệu đô la Mỹ của Tasco - VETC, song cho phép giãn tiến độ lắp đặt hệ thống đến 30-9-2016. Tuy nhiên, đến ngày 22-2-2017, báo cáo với Bộ GTVT, Tasco - VETC cho biết mới chỉ có... năm trạm ký hợp đồng thu phí không dừng. Trong tháng 3-2017, cũng chỉ có thêm một trạm nữa ký hợp đồng và thực hiện thu phí không dừng. Lý do chậm trễ lắp đặt hệ thống thu phí không dừng được Tasco - VETC đưa ra do nhiều vướng mắc trong quá trình đàm phán giữa Tasco - VETC và các nhà đầu tư BOT.
Cơ chế thị trường thì phải đấu thầu
Khi được hỏi lý do chưa ký hợp đồng thu phí không dừng với nhà cung cấp dịch vụ, một nhà đầu tư BOT (đề nghị không nêu tên) cho biết, Tasco - VETC đóng vai trò như công ty thu phí hộ mà được hưởng từ 8-10% doanh thu thu phí của doanh nghiệp BOT là quá cao. Thậm chí, mức này còn cao hơn cả thu phí thủ công. Nhà đầu tư này cho rằng, Bộ GTVT cần tính toán lại và đưa nhiều nhà cung cấp dịch vụ để các nhà đầu tư BOT lựa chọn, chứ không thể đưa một công ty cung cấp rồi bắt doanh nghiệp ký hợp đồng.
Trong khi đó, giám đốc một công ty công nghệ đã tham gia lắp đặt trạm thu phí không dừng cho rằng, Bộ GTVT chỉ cần đưa ra một khung tiêu chuẩn chung, để từng trạm tự đầu tư và kết nối vào hệ thống chung, miễn sao người dùng chỉ cần dùng một thẻ có thể thanh toán và đi được tất cả các trạm thu phí trên cả nước. Bộ GTVT cần tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp khác bằng cách tổ chức đấu thầu để tránh độc quyền về mặt kỹ thuật và mặt giá cả. Vị này cũng chỉ ra rằng việc áp đặt sử dụng công nghệ và các chuyên gia nước ngoài khiến giá thành đội lên. Với phần mềm thu phí, các công ty Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, giá thành sẽ rẻ hơn nhiều, việc duy tu bảo dưỡng trong nước cũng làm giá thành đầu tư giảm.
Về phía người sử dụng, trao đổi với TBKTSG, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng việc sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào là quyền của nhà đầu tư BOT thông qua đàm phán, đấu thầu. Do đó, Bộ GTVT không nên áp đặt nhà đầu tư phải chọn công ty do Bộ GTVT cung cấp.
Ông Liên cho rằng, việc chỉ định thầu sẽ dẫn đến nhiều nghi vấn, thiếu minh bạch trong vấn đề thu phí BOT, đặc biệt là việc hạch toán thu - chi. “Hiện nay công nghệ thông tin đang phát triển rất mạnh, nếu có nhiều nhà đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu kỹ thuật tham gia đầu tư thì phải tổ chức đấu thầu, dự án sẽ đạt hiệu quả tốt hơn mà giá thành thấp hơn, chứ không phải chỉ định thầu. Cơ chế thị trường là phải như vậy...”, ông Liên nêu quan điểm.
Nói thêm về hiệu quả đầu tư, ông Liên cho rằng, việc chỉ định thầu tạo cơ chế ưu đãi riêng mà chất lượng chưa chắc đã đảm bảo. Đơn cử như việc cung cấp hộp đen cho ô tô trước đây không qua đấu thầu nên chất lượng rất kém. Khi một mình một sân, không có sự cạnh tranh thì khó có thể đảm bảo về chất lượng lẫn giá thành.