|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự án quan trọng quốc gia không cân đối được vốn, nhiều dự án trả lại vốn

20:22 | 24/05/2022
Chia sẻ
Chiều 24/5, Quốc hội đã thảo luận tổ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Đại biểu Thái Thanh Quý (Đoàn Nghệ An): Chưa tập trung cao độ trong thực hiện

Là công trình quan trọng quốc gia, đến nay, qua 18 năm thực hiện, dự án đường Hồ Chí Minh vẫn chưa hoàn thành, với lý do có nhiều dự án quan trọng quốc gia được thực hiện trong cùng một thời điểm nên nguồn lực đầu tư hạn hẹp, khó khăn trong việc phân bổ, cân đối nguồn vốn cho dự án. Trong khi đó, đây được xác định là con đường chiến lược về quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế phía Tây và có giá trị truyền thống lịch sử.

Kết quả này cho chưa có sự tập trung cao độ trong thực hiện, cũng như chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, nhất là liên quan đến việc cân đối, bố trí nguồn lực. Đồng thời, việc dự báo, đánh giá về tiến độ, thời gian; bố trí, cân đối nguồn vốn chưa sát với thực tế.

Đây cũng là nội dung cần bàn thảo trong quá trình thực hiện dự án trong giai đoạn tới. Bởi, Chính phủ thể hiện quyết tâm thông tuyến đến năm 2025, song nếu việc bố trí nguồn vốn không cụ thể, rõ ràng có thể khó đạt được bảo đảm mục tiêu đề ra.

Như đoạn đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến chưa có phương án đầu tư, trong khi đây là 2 điểm khống chế mà đường Hồ Chí Minh đi qua. Cần làm rõ tiến độ triển khai đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến thuộc quy hoạch được đầu tư với quy mô đường cao tốc 6 làn xe và hoàn thành trước năm 2030.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang): Nhiều dự án không giải ngân vẫn bố trí vốn

Hiện nay, nhiều dự án giải ngân không đạt, không giải ngân nổi, nhiều chỗ phải trả lại vốn, đặc biệt vốn ODA. Vậy tại sao các dự án không giải ngân được vẫn bố trí vốn; trong đó những dự án quan trọng quốc gia, triển khai gần 20 năm như đường Hồ Chí Minh lại đang chậm thực hiện do không cân đối được nguồn vốn.

Có thể nói, dự án chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Điều này đề nghị Quốc hội thống nhất đánh giá, yêu cầu Chính phủ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, để thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo.
Thực tế, dự án đã triển khai gần hai chục năm nên phải tổng kết để tiếp tục triển khai. Theo đó, một số đoạn có tuyến song hành nếu đầu tư hiệu quả thấp thì đưa vào quy hoạch đường bộ quốc gia để triển khai đồng bộ, thống nhất cũng như bố trí nguồn lực ưu tiên, quản lý bảo trì, bảo dưỡng và phát huy hiệu quả toàn tuyến.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Nghiên cứu huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài

Theo báo cáo trình Quốc hội, dự án đường Hồ Chí Minh đã triển khai hoàn thành khoảng 2.362 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang thực hiện 211 km. Hiện dự án chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171 km còn lại nhằm nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh; trong đó, có những đoạn đã nghiên cứu chuyển sang hình thức đầu tư BOT nhưng không khả thi do Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP thay đổi, liên quan đến tới vốn Nhà nước vượt 50% và thời gian hoàn vốn lên tới 25 năm.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả đầu tư trong bối cảnh đầu tư trong nước hạn chế, cần phải nghiên cứu theo hình thức đầu tư khác như huy động nguồn vốn từ tổ chức tài chính, nhà đầu tư quốc tế, với thời gian hoàn vốn dài hơn. Được biết, có những nơi có thể cung cấp nguồn vốn tín dụng tới 30 năm đối với các công trình như dự án này.

Nói như vậy để thấy rằng cần phải đánh giá một cách toàn diện trong việc thực thi dự án sau này. Không thể cứ nói dự án đầu tư BOT trên 25 năm không khả thi, chuyển sang đầu tư công mà đầu tư công không bố trí được nguồn tiền thì sẽ lại chậm. Cần nghiên cứu tính tổng thể; trong đó, có sự phối hợp vốn, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án thì sẽ giải quyết được bài toán này.

Thuý Hiền – Diệp Anh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.