|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dự án phát triển lô B - Ô Môn được cấp khoản vay 832 triệu USD

10:59 | 09/07/2024
Chia sẻ
Đây là khoản vay từ JBIC và các tổ chức tư nhân nhằm cung cấp nguồn vốn cần thiết để MOECO phát triển mỏ khí Lô B và xây dựng đường ống vận chuyển khí nhiên liệu đến các nhà máy nhiệt điện ở khu vực Tây Nam Việt Nam.

Tờ Nikkei Asia đưa tin, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và các tổ chức cho vay tư nhân sẽ cấp khoản vay khoảng 832 triệu USD cho dự án phát triển khí đốt lô B - Ô Môn.

Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản ngày 8/7 cho biết, tổ chức này sẽ đóng góp 415 triệu USD cho thoả thuận đồng tài trợ, trong khi các tổ chức cho vay tư nhân khác sẽ cung cấp phần còn lại.

Hôm 5/7, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã ký các thỏa thuận với ba công ty con của Công ty Thăm dò Dầu khí Mitsui (MOECO), bao gồm công ty Dầu khí MOECO Việt Nam, công ty Dầu khí MOECO Tây Nam Việt Nam và công ty Đường ống MOECO Tây Nam Việt Nam. Số tiền JBIC cho vay lần lượt là 167 triệu USD; 161 triệu USD và khoảng 87 triệu USD; tổng cộng khoản vay là 415 triệu USD.

Ngoài JBIC, các khoản vay còn đến từ các tổ chức tài chính tư nhân. Do đó, số tiền đồng tài trợ cho mỗi đơn vị tăng lên lần lượt là 335 triệu USD, 322 triệu USD và 175 triệu USD; tổng cộng là 832 triệu USD.

Đây là khoản vay nhằm cung cấp nguồn vốn cần thiết để MOECO phát triển mỏ khí Lô B nằm ngoài khơi bờ biển Tây Nam Việt Nam và xây dựng đường ống vận chuyển khí nhiên liệu đến các nhà máy nhiệt điện ở khu vực Tây Nam đất nước.

Trước đó, hôm 29/3, Tập đoàn đầu tư Mitsui của Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 84 tỷ yen (560 triệu USD) cho dự án Lô B - Ô Môn.

PVN cho biết chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn có quy mô rất lớn tại Việt Nam, bao gồm nhiều dự án thành phần (dự án phát triển thượng nguồn, dự án đường ống và các dự án nhà máy điện ở hạ nguồn), với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư (từ các đối tác nước ngoài Nhật Bản và Thái Lan như MOECO, PTTEP, Marubeni đến các nhà đầu tư Việt Nam như PVN, PVEP, PV GAS, EVNGENCO2, WTO).

Quy mô đầu tư toàn chuỗi dự án lên tới gần 12 tỷ USD. Lô B, 48/95 và 52/97 (gọi tắt là Lô B) nằm ở khu vực ngoài khơi phía Tây Nam Việt Nam, thuộc khu vực vùng trũng bể Malay - Thổ Chu vùng thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Cà Mau khoảng 300 km, cách Trung tâm Điện lực Ô Môn khoảng 400 km, với độ sâu nước biển khoảng 77 m.

Toàn bộ nguồn khí Lô B khai thác sẽ được vận chuyển bằng đường ống về khu vực quận Ô Môn, TP Cần Thơ cung cấp khí cho các Nhà máy điện Ô Môn I, Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV (với tổng công suất khoảng 3.810 MW), ngoài ra còn có thể cấp bù khí cho khu vực Cà Mau.

Trong giai đoạn bình ổn, Lô B sẽ cung cấp cho các nhà máy điện mỗi năm khoảng 5,06 tỷ m3 khí để sản xuất khoảng 22 tỷ kWh điện đáp ứng một phần nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

 Ảnh minh hoạ: PVN.

Cách đây vài ngày, Chủ tịch HĐTV của PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuỗi dự án Khí - Điện Lô B là chuỗi dự án quan trọng nhất của tập đoàn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Về dự án Ô Môn IV, dự kiến tập đoàn phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu trong tháng 8/2024 và sẽ khởi công tháng 8/2025 để đảm bảo tiến độ COD dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV vào tháng 6/2028.

Đối với dự án Ô Môn III, hiện Ban quản lý dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu Tư vấn lập FS (nghiên cứu khả thi) , thẩm tra FS Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn III. Theo kế hoạch, ký hợp đồng trong tháng 8/2024, hoàn thành công tác trình, thẩm định, phê duyệt FS vào tháng 8/2025 theo tiến độ đã báo cáo tập đoàn.

Dự kiến, PVN phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu vào tháng 10/2025,thẩm định hồ sơ mời thầu (HSMT) tháng 10/2026, bắt đầu thực hiện hợp đồng EPC trong tháng 3/2028 và COD tháng 11/2030.

Đồng thời, Ban quản lý dự án đã cử nhân sự tham gia cùng Tổ đàm phán PPA của tập đoàn rà soát phương án đàm phán PPA, mục tiêu hoàn thành ký kết PPA cũng như GSA, thu xếp vốn ECAs trước khi khởi công EPC nhà máy chính vào tháng 8/2025.

Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện dự án đường ống dẫn khí Lô B 6 tháng đầu năm, ông Trần Thanh Hải – Tổng Giám đốc SWPOC (Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam) cho biết, vào 4/2024 vừa qua, các bên trong BCC đã ký thư xác nhận các điều kiện tiên quyết, ghi nhận dự án đã đủ điều kiện đạt được FID làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo của dự án.

Hiện SWPOC đang triển khai các công việc quan trọng của dự án như: thực hiện Hợp đồng EPC bờ; đấu thầu PC biển; công tác đền bù giải phóng mặt bằng,… đúng theo tiến độ dự án.

 

HK

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.