|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dự án khởi nghiệp giáo dục: Mảnh đất tiềm năng chưa được khai thác

10:41 | 04/01/2019
Chia sẻ
Mặc dù GD - ĐT đang rất được quan tâm ở Việt Nam nhưng những dự án khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này không nhiều, chưa kể là startup có tỉ lệ thất bại cao. Theo các chuyên gia khởi nghiệp thì với edtech startup (startup trong lĩnh vực giáo dục) cần có thêm hai yêu cầu quan trọng: Phải có tâm và có tầm nhìn đầu tư dài hạn.

Khoảng cách từ ý tưởng đến thực tế

“Vút bay” là một trong 2 dự án của chương trình “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng” được đưa vào chương trình ươm tạo của Vườn ươm thành phố Đà Nẵng. Dự án Vút bay của 20 bạn trẻ đến từ một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn Đà Nẵng nhằm giúp học sinh (HS) phổ thông có định hướng trong lựa chọn nghề nghiệp.

Bắt đầu triển khai hoạt động từ năm 2015, “Vút bay” tổ chức được 3 chương trình hướng nghiệp kết nối giữa HS phổ thông và một số doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp… để tìm hiểu một số ngành nghề theo xu hướng trải nghiệm hướng nghiệp. Theo đánh giá của ông Lý Đình Quân – Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Đà Nẵng), “Vút bay” là một dự án có nhiều sáng tạo, thiên về trí tuệ, khả năng mở rộng dễ do ít sử dụng nguồn lực tài sản hữu hình, tạo ra được giá trị để tìm nhà đầu tư nên khởi nghiệp rất tốt. Bằng chính những hoạt động trải nghiệm, “Vút bay” đã hướng cả HS và phụ huynh có cái nhìn đúng đắn trong việc chọn ngành, trường học.

du an khoi nghiep giao duc manh dat tiem nang chua duoc khai thac
Một buổi tham quan, trải nghiệm thực tế tại xưởng dệt của HS phổ thông trong dự án “Vút bay”

Kêu gọi được vốn đầu tư, đặt văn phòng ở ngay Vườn ươm doanh nghiệp TP Đà Nẵng nhưng “Vút bay” đã dừng hoạt động gần 2 năm nay.

Anh Huỳnh Quang Triết – Trưởng điều phối dự án “Vút bay” - chia sẻ: “Định hướng nghề nghiệp từ thực tế tuy không phải là mới trên thế giới nhưng khá mới mẻ ở Đà Nẵng. Dù được nhiều phụ huynh và HS ủng hộ nhưng dự án vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động vì phải cân bằng giữa thị hiếu và năng lực của HS”.

Việc tìm đối tác, kết nối với các trường học – doanh nghiệp cũng là một khó khăn với “Vút bay”. Dự án được Sở GD&ĐT cấp giấy phép để tổ chức chương trình tại các trường THPT trên địa bàn thành phố nhưng việc thuyết phục các doanh nghiệp, nhà máy… hợp tác, tiếp nhận HS đến thực tế, trải nghiệm các hoạt động sản xuất, kinh doanh không hề dễ dàng. Theo anh Huỳnh Quang Triết, thu nhập từ dự án chưa đủ chi trả cho các thành viên của nhóm. Rồi một số thành viên tìm được công việc ổn định nên dự án tạm dừng.

du an khoi nghiep giao duc manh dat tiem nang chua duoc khai thac
  • SV tham gia học theo dự án tại trang trại nấm của DUTI Education

iKids cũng là một dự án liên quan đến giáo dục STEAM được Vườn ươm Đà Nẵng ươm tạo hướng đến HS tiểu học trong tiếp cận kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và nghệ thuật theo hướng tích hợp, gắn liền với thực tiễn. Chỉ sau một thời gian ngắn với 3 lớp dạy thử nghiệm miễn phí, dự án hết kinh phí nên cũng đành khép lại.

Đi xa thì không nên đi nhanh

Nhận xét về tiềm năng khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, ông Lý Đình Quân cho rằng giáo dục là lĩnh vực rất nhiều tiềm năng cho các startup. “Vấn đề là với giáo dục, đòi hỏi các edtech startup phải có sự đầu tư dài hạn, ít nhất là 5 năm. Thế nên các startup không nên kỳ vọng tới sự tăng trưởng quá sớm dù có thể thời gian đầu, sản phẩm có sức hút khá lớn.

Với vấn đề nhân sự, ngoài những kiến thức về kinh tế còn phải có am hiểu nhất định về giáo dục vì đây là thị trường đặc biệt. Các startup có nhiều cơ hội nếu phát triển sản phẩm theo hướng trải nghiệm, tương tác thực tế ảo, giáo dục STEAM, STEM, học trực tuyến, trong đó xu hướng trực tuyến sẽ tăng mạnh. Trước mắt, việc học trực tuyến có thể hạn chế một phần do thói quen nhưng với yêu cầu người lao động phải tự đào tạo để đáp ứng những thay đổi của công nghệ thì đây sẽ là xu hướng phát triển mạnh” – ông Quân nhận định. Như dự án “Vút bay”, vẫn có cơ hội bứt phá nếu có một đội ngũ nhân sự mạnh, vừa am hiểu giáo dục vừa có đầu óc kinh tế và cả các mối quan hệ để có thể kết nối nhà trường – doanh nghiệp trong tổ chức trải nghiệm.

Chia sẻ tại Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức vào cuối tháng 11/2018 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Những nhu cầu của người dân trong nhiều lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế, giao thông, thanh toán điện tử, nông nghiệp… đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức. Và những “bài toán” đó có trở thành cơ hội cho các startup hay không là tuỳ thuộc vào các bạn”.

Xem thêm

Hà Nguyên