|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dự án Hattoco Hà Đông: Hơn 300 khách chờ 10 năm vẫn chưa thấy nhà

10:15 | 20/02/2020
Chia sẻ
Bỏ hàng tỉ đồng mua căn hộ tại dự án chung cư Hattoco (110 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) nhưng 10 năm nay, hơn 300 khách hàng vẫn chưa thể nhận nhà.

Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Hattoco được khởi công từ năm 2009, với tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng. 

Dự án được xây dựng trên khu đất 4.992 m2 với thiết kế tòa tháp 39 tầng nổi và 3 tầng hầm, từ tầng 1 đến tầng 6 là khu trung tâm thương mại, văn phòng, từ tầng 7-39 là khu căn hộ với tổng số 439 căn.

Với giá từ 16,5 - 20 triệu đồng/m2, mỗi căn hộ ở Hattoco có giá trị từ 1,5 đến 2,5 tỷ đồng.

Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Ba Đình (Địa chỉ trụ sở: Số 455, Hoàng Hoa Thám, Phường Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội), có tên giao dịch: BA ĐÌNH CIC JSC. Giấp phép kinh doanh: 0101151566, Ngày cấp giấy phép: 10/08/2001. 

Đại diện pháp luật là ông Nguyễn Tiến Trung. Hiện tại, công ty có Văn phòng giao dịch tại khu vực tầng 2 Dự án chung cư Hattoco (số 110 Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội).

Tuy được khởi công từ năm 2009 nhưng dự án Hattoco đến nay vẫn dang dở. Theo quan sát của phóng viên ngày 14/2, hiện dự án đã xây dựng xong phần thô đến tầng 39. 

Việc dừng thi công trong suốt thời gian dài khiến sắt thép hoen gỉ, công trường không một bóng công nhân.

Đáng nói là ngay sau thời điểm khởi công không lâu, dự án được rao bán cho khách hàng, chủ đầu tư cũng đã nhận tiền của khách. 

Mỗi khách hàng khi mua thường trả từ 50 - 70% giá trị căn hộ. Vì vậy, việc "chây ì" không bàn giao nhà của chủ đầu tư khiến nhiều khách hàng lâm vào cảnh khốn khổ vì mất tiền mà không có nhà ở.

Chị Nguyễn Thị Thủy - một khách hàng mua nhà tại dự án này cho biết, theo hợp đồng mua bán căn hộ, tháng 4/2014, chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho khách. Tuy nhiên, đã quá thời hạn 5 năm, chủ đầu tư vẫn không thực hiện.

“Chủ đầu tư thu tiền bán nhà của khách hàng cả chục năm nay mà không giao nhà. Điều này khiến hàng trăm khách hàng rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. Nhiều gia đình không có chỗ ở, phải đi thuê nhà, thiếu hụt tài chính phải vay chịu lãi nhiều năm nay. 

Chúng tôi rất nhiều lần tìm gặp chủ đầu tư để mong cùng tháo gỡ khó khăn. Nhưng chủ đầu tư vẫn lẩn tránh", chị Thủy nói.

Dự án Hattoco Hà Đông: Hơn 300 khách chờ 10 năm vẫn chưa thấy nhà - Ảnh 1.

Dự án Hattoco xây 10 năm vẫn chưa xong.

Ông Lê Đình Cước (người mua nhà) cũng chia sẻ: “Tôi mua nhà đã đúng một thập kỷ nhưng vẫn chưa thể nhận được nhà. 

Điều tôi bức xúc nhất đó là chủ đầu tư quá thiếu trách nhiệm, thờ ơ với khách hàng khi để dự án nằm "chết" 10 năm nay mà không đưa ra phương án giải quyết”.

Điều mà người mua nhà mong mỏi nhất hiện nay là UBND TP Hà Nội sớm vào cuộc để làm rõ xem Công ty Ba Đình có đủ năng lực để triển khai dự án hay không? 

Trong trường hợp chủ đầu tư không làm tiếp dự án thì thành phố có phương án thu hồi và giao cho chủ đầu tư khác xây dựng để sớm trả nhà cho người dân không?

Trước việc dự án xây dựng 10 năm vẫn chưa xong, ngày 24/9/2019, UBND quận Hà Đông có văn bản Số 2456/UBND-VP yêu cầu Phòng Quản lý đô thị và UBND phường Mộ Lao làm rõ thông tin phản ánh liên quan đến việc chậm tiến độ thực hiện Dự án khu khách sạn, nhà ở, văn phòng cho thuê tòa nhà hỗn hợp Hattoco tại số 110 Trần Phú, phường Mộ Lao.

Còn theo đại diện của Phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội, dự án Hattoco đã xây dựng xong phần thô đến tầng 39 và dừng thi công trong suốt thời gian dài. 

Sau khi nhận được phản ánh của khách hàng, UBND quận Hà Đông đã yêu cầu các Phòng ban chức năng phối hợp với UBND phường làm việc với chủ đầu tư hai lần. 

UBND phường cũng ban hành hai văn bản yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm việc đẩy nhanh tiến độ dự án theo quy định của pháp luật.

Châu Anh-Khánh An

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.