|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hàng nghìn m2 đất cống hoá mương sử dụng sai mục đích: Yêu cầu Hà Nội xử lí dứt điểm

11:50 | 19/02/2020
Chia sẻ
Dù đã có nhiều ý kiến chỉ đạo nhưng đến nay, Hà Nội vẫn chưa xử lí dứt điểm vi phạm liên quan đến hai Dự án cống hóa Mương Nghĩa Đô và mương Phan Kế Bính.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lí vi phạm liên quan đến các mương thoát nước Phan Kế Bính và Nghĩa Đô, Hà Nội.

Theo đó, xét báo cáo của UBND TP Hà Nội về kết quả xử lí các vi phạm liên quan đến mương thoát nước Phan Kế Bính (quận Ba Đình) và mương thoát nước Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội khẩn trương xử lí dứt điểm các vi phạm liên quan đến 2 mương thoát nước trên theo đúng nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại các Văn bản số 609 ngày 28/12/2017, số 10106 ngày 17/10/2018 và số 6960 ngày 6/8/2019, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2020.

Trước đó, Thông báo kết luận số 609 của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp xử lí vi phạm trong việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng, sử dụng các mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô trên địa bàn TP Hà Nội nêu rõ: Theo qui định của pháp luật về đất đai thì mương thoát nước là đất xây dựng công trình công cộng, thuộc trường hợp Nhà nước giao để quản lí mà không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vì vậy, việc UBND TP Hà Nội ra quyết định cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính (thời hạn 20 năm), mương thoát nước Nghĩa Đô (thời hạn 50 năm) cho doanh nghiệp với hình thức sử dụng riêng, trong đó mương thoát nước Phan Kế Bính đã được qui hoạch sử dụng để mở rộng đường Phan Kế Bính là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và qui hoạch.

Trong khi đó, các doanh nghiệp được thuê đất mương thoát nước để cống hóa làm bãi đỗ xe và công trình phụ trợ nhưng phần lớn diện tích đất mương sau khi cống hóa đã được cho thuê xây dựng showroom, văn phòng, nhà hàng, một phần diện tích bị chuyển nhượng, diện tích đất dành cho trồng cây xanh lại sử dụng làm sân bê tông là sử dụng đất sai mục đích, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và xây dựng.

Chủ trương của UBND TP Hà Nội về dùng quĩ đất sạch, quĩ đất 20% trong các khu đô thị và quĩ đất khác tương đương với giá trị công trình mà doanh nghiệp đã xây dựng trên mương thoát nước Phan Kế Bính để giao cho Công ty cổ phần Đa Quốc Gia thực hiện dự án đầu tư kinh doanh và giao cho Công ty này làm chủ đầu tư dự án mở rộng đường Phan Kế Bính là không có cơ sở pháp luật, có nguy cơ thất thoát nguồn lực của Nhà nước.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẩn trương kiểm tra, rà soát và xử lí nghiêm các vi phạm nói trên theo đúng qui định của pháp luật.

Liên quan đến sự việc trên, tháng 5/2018, UBND quận Cầu Giấy đã phối hợp với các lực lượng chức năng ra quân cưỡng chế hàng loạt công trình, cơ sở kinh doanh trong danh sách 42 công trình vi phạm trật tự đô thị tại Dự án Cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô.

Tháng 6/2018, UBND quận Ba Đình cùng các lực lượng chức năng cũng đã ra quân cưỡng chế công trình sai phạm ở dự án cống hóa mương Phan Kế Bính.

Tuy nhiên, nhiều công trình sai phép tại hai dự án cống hóa trên vẫn chưa được xử lí triệt để.

Hàng nghìn m2 đất cống hoá mương sử dụng sai mục đích: Yêu cầu Hà Nội xử lí dứt điểm - Ảnh 1.

Nhiều cơ sở kinh doanh tại mương Nghĩa Đô vẫn hoạt động sau cưỡng chế. (Ảnh ghi nhận thời điêm tháng 11/2018: Hà Lê

Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính rộng hơn 6.000 m2 (từ Linh Lang đến Liễu Giai) làm bãi đỗ xe và dịch vụ phụ trợ do Công ty CP đa quốc gia làm chủ đầu tư. Dự án này được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng tạm số 03 ngày 07/01/2009 và được điều chỉnh nội dung giấy phép tại văn bản số 44 ngày 30/3/2009.

Dự án cống hóa mương Nghĩa Đô (ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) rộng hơn 14.000 m2 để xây dựng bãi đỗ xe được UBND Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư số vào ngày 31/5/2007 cho Công ty Cổ phần Đầu tư, xây lắp, Thương mại và Dịch vụ. Qui mô đầu tư khoảng 185 ôtô, 500 xe máy và các dịch vụ phụ trợ.

Hà Lê

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.