|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu thanh tra việc cưỡng chế phá dỡ công viên nước Thanh Hà

22:50 | 14/02/2020
Chia sẻ
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có văn bản số 439 gửi Chánh Thanh tra thành phố truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu thanh tra việc cưỡng chế phá dỡ công viên nước Thanh Hà.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu thanh tra việc cưỡng chế phá dỡ công viên nước Thanh Hà - Ảnh 1.

Toàn bộ thiết bị Công viên nước trị giá hàng trăm tỷ đồng đã bị phá hủy Ảnh: CTV

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có văn bản số 439 gửi Chánh Thanh tra thành phố truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu thanh tra làm rõ trách nhiệm UBND các cấp phường, quận để xảy ra việc xây dựng trái phép tại Công viên nước Thanh Hà; Làm rõ quy trình, thủ tục thực hiện cưỡng chế theo quy định pháp luật, đề xuất các biện pháp xử lý.

Chủ tịch thành phố yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch thanh tra đến Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội trước ngày 29/2/2020. Giao Văn phòng UBND thành phố theo dõi, đôn đốc các cơ quan đơn vị thực hiện chỉ đạo trên, tổng hợp báo cáo UBND thành phố.

Trước đó, liên quan đến việc cơ quan chức năng phường Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội) cưỡng chế phá dỡ công viên nước Thanh Hà, mới đây, Cty Cienco5 đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ. 

Phía Cty cho rằng, UBND phường Phú Lương và UBND quận Hà Đông thực hiện cưỡng chế khắc phục hậu quả không đúng pháp luật, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ tài sản doanh nghiệp, gây thiệt hại lớn về tài sản đối với Cty.

Trong đó, toàn bộ các thiết bị kỹ thuật như hệ thống máng trượt composite, máy tạo sóng, nhiều thiết bị khác của công viên đã bị hủy hoại, không còn khả năng sử dụng.

Trong quỹ đất khu vực phát triển dự án mà Công ty đã thực hiện giải phóng mặt bằng và đang quản lý có khu đất ký hiệu A2.2-CCĐT01, phường Phú Lương, quận Hà Đông được quy hoạch là đất công cộng. 

Trong thời gian chưa bàn giao khu đất này cho UBND TP Hà Nội, Công ty đã xây dựng tạm công viên nước Thanh Hà để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em khu vực quận Hà Đông và các quận, huyện tiếp giáp quận Hà Đông.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu thanh tra việc cưỡng chế phá dỡ công viên nước Thanh Hà - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc trả lời chất vấn của nhiều cơ quan báo chí về vụ việc

Chấp hành quyết định của UBND quận Hà Đông, Công ty đã thực hiện việc tháo dỡ toàn bộ các hạng mục xây dựng và lắp đặt tại công viên nước Thanh Hà. 

Tuy nhiên, do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục lắp đặt tại công viên nước Thanh Hà có kết cấu kỹ thuật phức tạp, cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật và do nhà thầu lắp đặt tháo dỡ để đảm bảo không hư hỏng, không mất giá trị sử dụng của tài sản mà Công ty đã đầu tư nên Công ty đã gửi báo cáo đến UBND quận Hà Đông đề nghị gia hạn và xem xét tạo điều kiện để Công ty xử lý các thiết bị kỹ thuật theo quy trình.

Công ty tiếp tục thực hiện việc tháo dỡ nhưng, như đã báo cáo ở trên, do khối lượng công việc nhiều và kỹ thuật phức tạp trong khi tết nguyên đán Canh Tý cận kề và Công ty không thể mời được chuyên gia, thợ kỹ thuật của nhà thầu Trung Quốc sang thực hiện tháo dỡ nên không thể đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của UBND quận Hà Đông và UBND phường Phú Lương. 

Công ty đã có văn bản trình bày rõ nội dung này gửi các cơ quan chức năng quận Hà Đông để nắm bắt và chỉ đạo…

Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, công viên nước Thanh Hà thuộc dự án Thanh Hà – Cienco5, đất quy hoạch là đất công cộng đô thị, nhưng chủ đầu tư xây dựng không phép. 

“Các cơ quan chức năng của Hà Đông đã thiết lập biên bản, hồ sơ xử lý việc xây dựng không phép. Việc thiết lập hồ sơ theo trình tự, thủ tục của pháp luật quy định”, ông Ngọc nói. 

Hà Anh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.