|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hà Nội: Quận Hà Đông lên tiếng việc phá dỡ công viên nước Thanh Hà

07:19 | 12/02/2020
Chia sẻ
Chiều 11/2, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo UBND quận Hà Đông đã thông tin về việc cưỡng chế phá dỡ công viên nước Thanh Hà tại Khu đô thị Thanh Hà – Cienco5, phường Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội).

Doanh nghiệp kêu cứu

Liên quan đến việc cơ quan chức năng phường Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội) cưỡng chế phá dỡ công viên nước Thanh Hà, mới đây, Cty Cienco5 đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ. 

Phía Cty cho rằng, UBND phường Phú Lương và UBND quận Hà Đông thực hiện cưỡng chế khắc phục hậu quả không đúng pháp luật, thiếu trách nhiệm trong bảo vệ tài sản doanh nghiệp, gây thiệt hại lớn về tài sản đối với Cty.

Trong đó, toàn bộ các thiết bị kỹ thuật như hệ thống máng trượt composite, máy tạo sóng, nhiều thiết bị khác của công viên đã bị hủy hoại, không còn khả năng sử dụng.

Trong quỹ đất khu vực phát triển dự án mà Công ty đã thực hiện giải phóng mặt bằng và đang quản lý có khu đất ký hiệu A2.2-CCĐT01, phường Phú Lương, quận Hà Đông được quy hoạch là đất công cộng. 

Trong thời gian chưa bàn giao khu đất này cho UBND TP Hà Nội, Công ty đã xây dựng tạm công viên nước Thanh Hà để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em khu vực quận Hà Đông và các quận, huyện tiếp giáp quận Hà Đông.

Hà Nội: Quận Hà Đông lên tiếng việc phá dỡ công viên nước Thanh Hà - Ảnh 1.

19 hạng mục công trình thuộc dự án công viên nước Thanh Hà bị phã dỡ. Ảnh CTV.

Chấp hành quyết định của UBND quận Hà Đông, Công ty đã thực hiện việc tháo dỡ toàn bộ các hạng mục xây dựng và lắp đặt tại công viên nước Thanh Hà. 

Tuy nhiên, do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục lắp đặt tại công viên nước Thanh Hà có kết cấu kỹ thuật phức tạp, cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật và do nhà thầu lắp đặt tháo dỡ để đảm bảo không hư hỏng, không mất giá trị sử dụng của tài sản mà Công ty đã đầu tư nên Công ty đã gửi báo cáo đến UBND quận Hà Đông đề nghị gia hạn và xem xét tạo điều kiện để Công ty xử lý các thiết bị kỹ thuật theo quy trình.

Công ty tiếp tục thực hiện việc tháo dỡ nhưng, như đã báo cáo ở trên, do khối lượng công việc nhiều và kỹ thuật phức tạp trong khi tết nguyên đán Canh Tý cận kề và Công ty không thể mời được chuyên gia, thợ kỹ thuật của nhà thầu Trung Quốc sang thực hiện tháo dỡ nên không thể đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của UBND quận Hà Đông và UBND phường Phú Lương. 

Công ty đã có văn bản trình bày rõ nội dung này gửi các cơ quan chức năng quận Hà Đông để nắm bắt và chỉ đạo.

Tuy nhiên, ngày 24/12/2019, UBND quận Hà Đông đã có quyết định số 5079/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả mà không chấp nhận ý kiến và đề xuất của Công ty. 

Theo quyết định 5079/QĐ-CCXP, UBND quận Hà Đông cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là tháo dỡ 19 hạng mục xây dựng trong khu vực công viên nước Thanh Hà, trong đó có 5 hạng mục không có trong quyết định số 4725/QĐ-UBND về buộc khắc phục hậu quả (như hạng mục cây xanh đường bộ).

“Với việc UBND quận Hà Đông đập phá, hủy hoại như trên, các tài sản này đã không còn giá trị sử dụng và đã trở thành phế liệu. Ước tính riêng thiệt hại các thiết bị này lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trước những mất mát, thiệt hại về tài sản như trên, Cty rất đau xót và cho rằng, việc doanh nghiệp có vi phạm thì cũng phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không thể sử dụng quyền lực nhà nước để hủy hoại tài sản của doanh nghiệp”, đơn kêu cứu viết.

Quận Hà Đông nói gì?

Tại hội nghị, nhiều phóng viên cũng đặt câu hỏi về quy trình, thủ tục thực hiện việc cưỡng chế của UBND phường Phú Lương có đúng quy định của pháp luật hay không? Trước khi cưỡng chế có báo cho chủ đầu tư hay không? Có thông qua phương án cưỡng chế hay không…?

Hà Nội: Quận Hà Đông lên tiếng việc phá dỡ công viên nước Thanh Hà - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc trả lời báo chí.

Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, công viên nước Thanh Hà thuộc dự án Thanh Hà – Cienco5, đất quy hoạch là đất công cộng đô thị, nhưng chủ đầu tư xây dựng không phép. 

“Các cơ quan chức năng của Hà Đông đã thiết lập biên bản, hồ sơ xử lý việc xây dựng không phép. Việc thiết lập hồ sơ theo trình tự, thủ tục của pháp luật quy định”, ông Ngọc nói.

Theo ông Ngọc, trong quá trình lập hồ sơ xử lý, quận đã gửi đầy đủ thông báo cho chủ đầu tư, các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, biện pháp cưỡng chế, cũng như thông báo yêu cầu thực hiện, chấp hành các quyết định xử phạt hành chính của quận.

“Về việc cho rằng có một số hạng mục bị phá dỡ không thuộc hạng mục bị cưỡng chế, qua các biên bản đã thiết lập thì 19 hạng mục công trình thuộc dự án công viên nước Thanh Hà vi phạm trật tự xây dựng. Các hạng mục bị phá dỡ là 19 công trình này”, ông Ngọc khẳng định.

Liên quan đến việc có thông báo cho doanh nghiệp trước khi cưỡng chế hay không, ông Ngọc cho biết, trong quá trình triển khai xử lý vi phạm, từ UBND cấp phường, quận đã trực tiếp trao đổi với doanh nghiệp, vận động, thuyết phục, yêu cầu tự tháo dỡ. 

Ngày 26/11/2019, chủ đầu tư có công văn số 19 thông báo xin tự giác tự tháo dỡ, bắt đầu từ ngày 6/12/2019. Các cơ quan chức năng cũng có thông báo, đôn đốc chủ đầu tư nhiều lần cần thực hiện các biện pháp khắc phục theo đúng thời gian quy định.

“Theo báo cáo của các đơn vị chức năng, UBND quận thấy rằng, hết thời hạn quy định nhưng chủ đầu tư không tự giác tháo dỡ. Vì vậy, UBND quận theo đúng quy trình, trình tự pháp luật, giao UBND phường tổ chức thực hiện cưỡng chế, xử lý công trình theo trình tự pháp luật”, ông Ngọc nói thêm.

Về việc phóng viên báo chí đặt câu hỏi liên quan đến phương án cưỡng chế đã được phê duyệt chưa, là tháo dỡ hay phá dỡ, ông Ngọc cho biết, quận đã thuê các đơn vị tư vấn lập phương án phá dỡ, cơ quan chuyên môn thẩm định, quận ra quyết định phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

“Còn để công trình xây dựng không phép trong thời gian dài, xử lý trách nhiệm đến đâu thì quận đang xem xét trách nhiệm của các đơn vị, các cơ quan được giao nhiệm vụ trong quản lý xây dựng và sẽ xử lý trách nhiệm. Sai đến đâu, trách nhiệm đến đâu thì xử lý nghiêm túc trách nhiệm của các bộ phận có liên quan đến đó”, ông Ngọc thông tin.

Trường Phong

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.