Vì sao Thủ tướng 6 lần chỉ đạo chưa cắt ngọn xong nhà 8B Lê Trực?
Việc chậm trễ xử lý sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực khiến cả chủ đầu tư và những hộ dân đã mua căn hộ ở đây thiệt hại không hề nhỏ. Ảnh: K.Linh.
Trong chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm, bảo đảm kỷ cương, pháp luật.
Điều khiến dư luận rất băn khoăn là vì sao với một việc không quá khó như vậy, suốt 4 năm qua Hà Nội không giải quyết xong, đến mức Thủ tướng phải 6 lần chỉ đạo?
Người dân mua nhà “thiệt đơn, thiệt kép”
Ngày 11/12/2019, nhiều hộ dân bỏ tiền mua nhà tại Dự án 8B Lê Trực đã viết đơn “Xin được về nhà tại 8B Lê Trực nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020” gửi UBND quận Ba Đình, Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, người mua căn hộ tại tầng 10, tòa nhà Discovery Complex II (8B Lê Trực) cho hay, từ năm 2014, gia đình bà đã phải bán căn nhà mặt đất tại khu vực Hoàng Cầu (Đống Đa) để có tiền mua căn hộ tại 8B Lê Trực.
“Cuối năm 2015, dự án hoàn thiện, gia đình tôi cũng làm xong nội thất, làm lễ nhập trạch, chỉ chờ về ở thì sai phạm của tòa nhà bị phát hiện, các cơ quan chức năng vào xử lý. Từ đó đến nay, chúng tôi phải đi thuê nhà để ở”, bà Xuân nói.
Bà Xuân cho biết, từ khi mở bán (năm 2014), mỗi căn hộ ở đây đã có giá bán 60 triệu đồng/m2, những căn góc có vị trí tầng đẹp, view đẹp lên tới 81 triệu đồng/m2. Đây là mức giá chung cư đắt đỏ nhất ở Hà Nội thời điểm đó.
Theo bà Xuân, dự án có khoảng 200 căn hộ, nhiều chủ hộ cùng cảnh ngộ như bà, bán nhà mặt đất khang trang, dùng tiền tiết kiệm cả cuộc đời, vay mượn khắp nơi mua căn nhà ở vị trí đắc địa rồi gần 5 năm qua chưa được ở.
“Chúng tôi cũng rất mệt mỏi. Chỉ mong cơ quan chức năng sớm xử lý dứt điểm sai phạm tại dự án này để chúng tôi có nhà để ở. Người dân chúng tôi đâu có sai phạm gì, sao lại phải chịu hệ lụy từ sai phạm của chủ đầu tư”, bà Xuân bức xúc.
Theo ghi nhận của PV, tới thời điểm này, cổng vào cao ốc 8B Lê Trực bị khóa trái, xung quanh quây rào tôn xập xệ, có lực lượng bảo vệ trông giữ. Nhiều tầng nhà còn chưa được lắp vách kính, những khoảng sơn đã mờ dần.
Không tìm được doanh nghiệp nhận tháo dỡ?
Tọa lạc tại khu đất số 8B Lê Trực, dự án Discovery Complex II đã xây vượt tầng vào khoảng 16m, tương đương 5 tầng. Một số phần giật cấp xây dựng không đúng giấy phép với diện tích khoảng hơn 6.100m2.
Sau khi Thủ tướng chỉ đạo lần đầu vào tháng 11/2015, gần một năm sau, tháng 10/2016, UBND quận Ba Đình đã tháo dỡ tầng 19 và tum thang tòa nhà. Tuy nhiên, từ đó việc tháo dỡ “dậm chân tại chỗ”.
Theo thông tin từ UBND TP Hà Nội, việc tháo dỡ giai đoạn 2 (các tầng 17 - 18) của tòa nhà số 8B Lê Trực đã giao cho UBND quận Ba Đình. Quận sẽ ứng tiền từ ngân sách để triển khai thực hiện việc tháo dỡ, sau đó yêu cầu nhà đầu tư phải thanh toán số tiền này.
Ngày 9/5/2019, UBND quận Ba Đình ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn, ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế lập phương án tháo dỡ theo hình thức chỉ định thầu.
Quận cũng đã mời hơn 30 đơn vị tham gia thiết kế phương án tháo dỡ giai đoạn 2 công trình sai phạm tại Dự án 8B Lê Trực. Tuy nhiên đến nay, không một đơn vị nào trả lời.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đàm Văn Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc (đơn vị thực hiện cắt ngọn tầng 19 và tầng mái 20) công trình sai phép 8B Lê Trực xác nhận, không thể tham gia thực hiện tháo dỡ giai đoạn 2 của dự án.
Theo ông Long, phương án phá dỡ giai đoạn 2 là không khả thi vì phá hệ kết cấu dầm treo trên mái tầng 18 thì phải thay bổ sung bằng kết cấu mới là khoan một số cọc khoan nhồi trong tòa nhà, xuyên qua 4 tầng hầm, khi khoan xuống 53m chạm vào sỏi cuội thì phải phá qua đài móng.
Đây là việc kỹ thuật về xây dựng không cho phép, bởi sẽ gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng phá vỡ kết cấu chịu lực của cả tòa nhà.
PGS. TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng Nhà nước về chất lượng xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: “Tòa nhà đã được thiết kế và xây dựng như vậy, bây giờ cắt bỏ một số tầng đi thì cần phải tính toán rất kỹ lưỡng.
Vì ngoài hạ độ cao 16m xây vượt, công trình phải cắt khoảng lùi ở các mặt của tòa nhà, chắc chắn ảnh hưởng đến mặt kết cấu”.
“Cần nghiên cứu kỹ tác động của việc cắt ngọn tòa nhà có ảnh hưởng đến kết cấu còn lại không, việc phá dỡ thế nào để đảm bảo an toàn cho công trình và cả khu dân cư, từ an toàn vật liệu xây dựng, đến an toàn tiếng ồn, ô nhiễm…”, ông Chủng nói, đồng thời cho biết, kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, hầu như không có việc cắt ngọn công trình.
“Chỉ có riêng Việt Nam thường xuyên xảy ra việc để chủ công trình xây sai, xong lại phải cắt ngọn. Cho nên, cần phải tăng cường công tác quản lý, tốt nhất là ngăn chặn, không để xảy ra sai phạm, nếu không nhiều trường hợp rất khó giải quyết”, TS. Trần Chủng đề xuất.
Thủ tướng 6 lần chỉ đạo
Công trình 8B Lê Trực nằm sát khu chính trị Ba Đình - cách Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tòa nhà Quốc hội khoảng 300m, cách Văn phòng Trung ương Đảng, Phủ Chủ tịch chừng 500m, tính theo đường chim bay.
Khi chủ đầu tư xây xong phần thô thì bị phát hiện sai phạm so với giấy phép xây dựng.
Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý sai phạm tại thông báo Kết luận số 351/TB-VPCP ngày 2/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Tháng 11/2015, TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, gần 1 năm sau thì hoàn thành giai đoạn 1, cắt xong tầng 19.
Tuy nhiên, sau đó các sai phạm vẫn không được xử lý dứt điểm, khiến lần lượt Thủ tướng phải có chỉ đạo tại các văn bản ngày 31/3/2016; ngày 28/6/2016; 13/7/2016 và ngày 15/10/2018. Đầu tháng 12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo lần thứ 6 về việc xử lý sai phạm tại Dự án số 8B Lê Trực.
Nên tịch thu, trưng dụng phần diện tích sai phép?
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong vụ việc này, điều rất quan trọng là cần bảo vệ quyền lợi của khách hàng là người mua nhà tại dự án này.
Về phương án xử lý, ông Tùng cho rằng, cần trưng dụng toàn bộ phần đã xây ngoài giấy phép thành diện tích công ích của Nhà nước. Đồng thời, phải xử phạt với số tiền xứng đáng, thậm chí còn cao hơn số tiền mà chủ đầu tư đã bỏ ra xây dựng.
Ông Tùng cho rằng, không nên đập phá đi vì sẽ không lường trước được hậu quả. "Ở thế giới không ai làm việc đó cả, việc xây dựng sai phép không xảy ra, nhất là giữa trung tâm thành phố.
Một điều cần chú ý nữa là quyền lợi của khách hàng. Đây không phải là công trình nào đó mà là công trình nhà ở, có tên, nó là hàng hóa. Người dân bỏ tiền thì người ta phải được sử dụng", ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, có một câu hỏi lớn đã bị tránh né trong vụ việc này: Tại sao một công trình lớn như thế lại mọc được giữa trung tâm Thủ đô, gây ra nhiều hệ lụy?
Nó không chỉ làm xấu đi môi trường đầu tư, thứ nhất là môi trường đầu tư kém đi; Thứ hai là thực thi pháp luật không nghiêm, chưa ai chịu trách nhiệm một cách xứng đáng; Thứ ba là Thủ tướng chỉ đạo đến 6 lần nhưng cũng không được giải quyết dứt điểm, cho thấy kỷ cương phép nước đã bị buông lỏng đến thế nào.
"Một công trình sai phạm nằm ngay cạnh Lăng Bác, tòa nhà Quốc hội mà không xử lý được thì không thể chấp nhận được", ông Tùng bức xúc.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/