|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhìn lại quá trình 4 năm xử lý cao ốc vượt tầng 8B Lê Trực

14:10 | 22/06/2019
Chia sẻ
Bắt đầu phá dỡ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) từ tháng 11/2015, nhưng đã gần 4 năm trôi qua, những sai phạm này vẫn chưa được xử lý triệt để. Trong khi các cơ quan liên quan đang tìm phương án "cắt ngọn" giai đoạn 2 thì mới đây, Chủ tịch Hà Nội khẳng định "Để đảm bảo kỷ cương phép nước thì đập cả tòa nhà 8B Lê Trực cũng phải làm, bởi nó sai từ móng..."

4 năm chưa "cắt ngọn" xong sai phạm

Tháng 11/2015, TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm tại dự án 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) do Công ty cổ phần May Lê Trực làm chủ đầu tư, gần một năm sau (tháng 10/2016) thì hoàn thành phần “cắt ngọn” giai đoạn một (tầng 19) do xây dựng vượt số tầng so với Giấy phép xây dựng.

Sau khi phá dỡ xong giai đoạn 1 sẽ tiếp tục xây dựng phương án phá dỡ giai đoạn 2 (phá dỡ đối với phần khoảng lùi - giật cấp). Thế nhưng, việc thực hiện giai phá dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực vẫn rơi vào cảnh "bế tắc" khi gần 3 năm qua, các sở ngành và đơn vị thiết kế vẫn loay hoay chưa đưa ra được phương án phá dỡ giai đoạn 2.

Những chỉ đạo của Bộ Xây dựng về cao ốc sai phép 8B Lê Trực ra sao?

Bộ Xây dựng cho rằng trách nhiệm liên quan đến việc chậm trễ xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực (quận Ba Đình) thuộc về chính quyền Hà Nội và địa phương nơi xảy ra sai phạm. Nếu Hà Nội có yêu cầu thì Bộ sẽ huy động các đơn vị để giúp Hà Nội thực hiện việc phá dỡ, bảo đảm an toàn...

Vào năm 2017, trong khi các cơ quan liên quan đang tìm phương án “cắt ngọt” tòa nhà 8B Lê Trực giai đoạn 2 thì chủ đầu tư đã khởi kiện UBND quận Ba Đình vì ra quyết định cưỡng chế, phá dỡ sai quy định.

Đến tháng 3/2018, Công ty cổ phần May Lê Trực bất ngờ rút đơn kiện UBND quận Ba Đình với mong muốn được làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội theo hướng kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn tìm biện pháp khắc phục và tìm giải pháp xử lý, các phương án cưỡng chế nhằm đảm bảo an toàn cho công trình đã xây dựng.

Được biết, Thủ tướng đã nhiều lần có chỉ đạo Hà Nội khẩn trương xử lý sai phạm tại toà nhà 8B Lê Trực, đồng thời yêu cầu phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật với các sai phạm của chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Sau đó, nhiều cán bộ liên quan đến những vi phạm tại công trình 8B Lê Trực bị kỷ luật, hình thức kỷ luật cao nhất được áp dụng là giáng chức, điều chuyển công tác Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng quận Ba Đình...

Cắt tiếp 2 tầng hay giữ nguyên nhưng không cho ở?

Liên quan đến phương án phá dỡ sai phạm công trình 8B Lê Trực, UBND quận Ba Đình mới đây có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo kết quả khảo sát, kiểm định phục vụ thiết kế phá dỡ giai đoạn 2 (tầng 17 và 18) tòa nhà 8B Lê Trực. Kết quả này đưa ra hai phương án xử lý phần ngọn tòa nhà 8B Lê Trực căn cứ theo đánh giá do Viện Khoa học và Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) lập nên.

Nhìn lại quá trình 4 năm xử lý cao ốc vượt tầng 8B Lê Trực - Ảnh 1.

BND quận Ba Đình đưa ra 2 phương án xử lý phần ngọn tòa nhà 8B Lê Trực, trong đó phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối là dùng giải pháp kiến trúc xây bịt các căn hộ tầng 17 và 18 không cho sử dụng.

UThứ nhất, đối với phương án phá dỡ tầng 17 và 18, UBND quận Ba Đình đưa ra các phương án chống đỡ dầm chuyển của tầng 3 và dầm treo ở mái tầng 16 có kích thước đảm bảo an toàn về chịu lực. Sau khi phá dỡ, có khả năng phải gia cường dầm tầng 3 và các dầm biên của các tầng trên. Lý do phải gia cường được quận Ba Đình cho là các dầm này đã bị nứt và phải chịu thêm tải trọng và tác động phát sinh trong quá trình phá dỡ.

Thứ hai, phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người là dùng giải pháp kiến trúc xây bịt các căn hộ tầng 17 và 18 không cho sử dụng, nhưng vẫn để lối thoát hiểm lên trên sân thượng và tầng mái. Phương án này được quận Ba Đình cho rằng đảm bảo an toàn nhất cho công trình cũng như người sử dụng sau này, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu phần công trình sai phạm không được sử dụng.

Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc (đơn vị đã thực hiện phá dỡ hạng mục vi phạm giai đoạn 1 ở tòa nhà 8B Lê Trực) cho biết, công trình 8B Lê Trực có kết cấu dầm treo, không phải là một công trình kết cấu bình thường. Do đó, việc phá dỡ giai đoạn 2 nếu tiến hành thì phải phá bỏ cả tòa nhà.

Việc Hà Nội chưa quyết phương án xử lý giai đoạn 2 phần sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân đã mua nhà ở dự án này gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí một số người dân mua căn hộ tại công trình 8B Lê Trực nhiều lần tập trung tại tòa nhà này căng băng rôn, khẩu hiệu “đòi nhà”.

Theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP Hà Nội, công trình 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) do Công ty cổ phần May Lê Trực làm chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án đã xây dựng sai so với Giấy phép xây dựng được cấp. Cụ thể, về khoảng lùi, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư không thực hiện (hiện đã xây dựng thẳng đến mái).

Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m, công trình giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp, làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Về chiều cao công trình, theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m. Hiện chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19, tổng chiều cao thực tế khoảng 69m (vượt khoảng 16m, tương đương với 5 tầng).

Về diện tích sàn xây dựng khoảng 36.000 m2 (giấy phép xây dựng là 29.874 m2) tăng khoảng 6.126 m2. “Những vi phạm xây dựng của chủ đầu tư về chiều cao tầng, diện tích xây dựng, kiến trúc công trình, khoảng lùi, giật cấp, hình dáng kiến trúc... so với giấy phép xây dựng là vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hình dáng công trình và không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực.


Ninh Phan