Dự án điện khí LNG Bạc Liêu: Vẫn vướng mắc giá bán điện
Dự án điện khí LNG Bạc Liêu là dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong 6 tháng đầu năm nay, khi tổng vốn đầu tư đăng ký gần 4 tỉ đô la Mỹ, chiếm một nửa tổng vốn đầu tư FDI của cả nước.
Dự án cũng đã được Thủ tướng phê duyệt vào Quy hoạch điện lực quốc gia theo Tổng sơ đồ VII với công suất 3.200MW, chia làm 2 phân kỳ đầu tư.
Tại thời điểm trước khi được phê duyệt toàn bộ dự án vào Tổng sơ đồ VII, nhà đầu tư đã kiến nghị nhiều lần để đẩy nhanh được tiến độ phê duyệt dự án.
Trong khi các cơ quan chức năng Việt Nam rất thận trọng với dự án có quy mô lớn, phức tạp, tổng vốn đầu tư lớn và quan trọng nhất là giá bán điện nhà đầu tư đề nghị ở mức thấp trong khi năng lực tài chính của chủ đầu tư còn gây nhiều tranh cãi.
Tuy nhiên, sau các vòng đề nghị giải quyết nhanh thủ tục, hiện chủ đầu tư dự án là Delta Offshore Energy Pte. Ltd (gọi tắt là DOE) đã ký hợp đồng thuê Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) làm tư vấn tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi để hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trong năm nay.
Chủ đầu tư cũng chọn Tập đoàn Bechtel (Mỹ) làm tổng thầu EPC dự án.
Song vấn đề lớn nhất của các dự án đầu tư vào ngành điện là đàm phán giá hợp đồng mua bán điện. Nếu hợp đồng này được ký kết thì coi như dự án mới hoàn tất thủ tục đầu tư. Chủ đầu tư dự án phấn đấu đàm phán được hợp đồng trước tháng 10-2020.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực do lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì, nếu dự án này muốn đẩy nhanh tiến độ đàm phán, đề nghị chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết giá điện dự án bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 7 xu Mỹ/kWh.
Với tất cả các dự án đầu tư vào ngành điện nói chung, vấn đề đàm phán hợp đồng mua bán điện với EVN luôn được xem là vấn đề nan giải nhất vì nếu không vượt qua được vòng này, các dự án điện độc lập (IPP), BOT... đều không thể đầu tư.
Tại dự án điện khí LNG Bạc Liêu cũng vậy. Khi chủ đầu tư dự án DOE trình dự án với mức giá bán điện cam kết cho cả vòng đời dự án là 7 xu Mỹ, các cơ quan quản lý ngành điện đã thẩm tra, tính toán ra mức giá bán điện khoảng 8,3 xu Mỹ/kWh (chưa tính lưới điện đầu tư đồng bộ) mới đủ chi phí đầu tư.
Mức giá bán dựa trên giá bán khí theo quy định hiện hành là 8,37 đô la/triệu BTU, tính theo số giờ vận hành tương đương là 6.000 giờ/năm (vẫn chưa tính đầu tư lưới điện đi kèm).
Hơn nữa, chủ đầu tư dự án là Công ty DOE mới thành lập tháng 6-2018 tại Singapore, sử dụng 85% vốn đầu tư đi vay.
Phía chủ đầu tư DOE vẫn cam kết hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư vào cuối tháng 12 năm nay, đưa giai đoạn I với công suất 800 MW vào vận hành năm 2024 và toàn bộ dự án hoàn thành cuối 2027.
Theo Bộ Công Thương, để có thể đưa lên lưới dự án này, cần phải xây dựng khoảng 355 km đường dây 500kV để giải tỏa công suất, với tổng mức đầu tư khoảng 285 triệu đô la. Việc đầu tư vào lưới điện hiện vẫn do Nhà nước độc quyền. |