Dự án cao tốc Bắc - Nam: Ngân sách sẽ rót hơn 78 nghìn tỉ đồng
Quốc hội cũng chấp thuận bổ sung 23.461 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước cho 3 dự án này.
Với mục tiêu chậm nhất đến cuối năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Như vậy, tổng số vốn ngân sách nhà nước bố trí cho 11 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là 78.461 tỷ đồng.
Trong đó, riêng 6 đoạn đầu tư công tổng vốn ngân sách bố trí hơn 53.100 tỷ đồng. Nếu được kịp thời giải ngân, các dự án hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2022 (trừ cầu Mỹ Thuận vào năm 2023), nền kinh tế sẽ hưởng lợi rất lớn từ dòng tiền này (chưa kể phần vốn ngân sách hỗ trợ các dự án BOT).
Với 3 đoạn cao tốc vừa được Quốc hội đồng ý chuyển sang đầu tư công, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, dự kiến, cuối tháng 6 Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết; sau đó khoảng 5 ngày (ngày 5/7), Chính phủ sẽ có nghị quyết giao Bộ GTVT thực hiện.
Sau khi Chính phủ giao, Bộ GTVT sẽ thực hiện các bước thủ tục chuyển sang đầu tư công, song song với thủ tục đấu thầu chọn nhà thầu, để phê duyệt kế hoạch vào ngày 8/7.
Tiếp đó, Bộ GTVT đồng thời thực hiện phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và phê duyệt hồ sơ mời thầu vào ngày 30/7. Tổ chức đấu thầu công khai lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng… xong vào ngày 25/9. Gói thầu đầu tiên dự kiến khởi công ngày 27/9, các gói thầu còn lại khởi công trong tháng 10 và tháng 11/2020.
Dự kiến, cuối năm 2021 các dự án chuyển sang đầu tư công này sẽ hoàn thành cơ bản nền đường và các công trình, một số cầu và hầm lớn sẽ hoàn thành vào năm 2022 để thông xe.
Cùng với thực hiện đấu thầu chọn nhà thầu thi công 3 dự án đầu tư công kể trên, Bộ GTVT cũng thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư cho 5 dự án BOT còn lại.
Tới nay, Bộ GTVT đã phê duyệt danh sách các nhà đầu tư qua sơ tuyển và thực hiện đấu thầu, dự kiến việc đấu thầu chọn nhà đầu tư sẽ kết thúc vào ngày 15/11. Từ 16/11 đến 5/12, Bộ GTVT đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng BOT với nhà đầu tư.
Kết thúc giai đoạn này, nhà đầu tư có 6 tháng để ký hợp đồng huy động vốn từ ngân hàng. Nếu nhà đầu tư ký được hợp đồng tín dụng sẽ khởi công xây dựng vào giữa năm 2021, nếu không (sau 6 tháng ký hợp đồng BOT) hợp đồng sẽ bị hủy.
Trường hợp hủy hợp đồng BOT, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xin chuyển các dự án này sang đầu tư công.
Về giải phóng mặt bằng các đoạn cao tốc, Bộ GTVT cho biết, dự kiến hoàn thành cơ bản trong tháng 6 này. Phần di dời công trình hạ tầng (điện, viễn thông, nước), Bộ GTVT dự kiến hoàn thành trong quý III/2020 (chậm hơn mục tiêu Thủ tướng giao là trước 30/6).
Đặc biệt, tại một số địa phương, tiền giải phóng mặt bằng thực tế đã bị “đội” lên so với dự toán được duyệt.
Trong đó, tăng cao nhất là đoạn QL45 - Nghi Sơn vượt dự toán 541 tỷ đồng, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu vượt 443 tỷ đồng; đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt vượt 390 tỷ đồng; đoạn Mai Sơn - QL45 vượt 305 tỷ đồng; đoạn Cam Lộ - La Sơn vượt 190 tỷ đồng...