|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dự án BT của Bitexco tại Hà Nội đội vốn không căn cứ gần 37 tỷ đồng

13:50 | 22/05/2018
Chia sẻ
Dự án đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An tại huyện Thanh Trì, Hà Nội của Bitexco có một số chi phí lập cao so với thực tế và quy định khiến tổng mức đầu tư tạm tính không có căn cứ 36,79 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước mới đây vừa công bố Báo cáo kiểm toán quyết toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016. Trong đó có nhắc đến sai phạm của hàng loạt dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng).

Qua kiểm toán phát hiện các trường hợp: NĐT góp vốn chủ sở hữu chưa đầy đủ và đúng hạn như tiến độ đã cam kết trong hợp đồng hoặc ký hợp đồng nhưng không quy định phần vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư; xác định lãi suất vốn vay còn sai sót, thiếu cơ sở; ký kết hình thức hợp đồng không phù hợp, quy định không rõ ràng thời điểm thực hiện nghĩa vụ với NSNN làm tăng chi phí lãi vay trong phương án tài chính; xác định tổng vốn đầu tư trong phương án tài chính chưa hợp lý; một số chi phí lập cao so với thực tế và quy định hoặc xác định tổng mức đầu tư không chính xác; lập dự án, phê duyệt thiết kế dự toán của hầu hết các dự án còn sai sót về khối lượng, định mức đơn giá.

Điển hình là dự án BT đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội vướng quy định không rõ ràng thời điểm thực hiện nghĩa vụ với NSNN làm tăng chi phí lãi vay trong phương án tài chính. Kiểm toán Nhà nước xác định chi phí lãi vay phải giảm 131,43 tỷ đồng. Dự án này còn có một số chi phí lập cao so với thực tế và quy định khi tổng mức đầu tư tạm tính không có căn cứ là 36,79 tỷ đồng.

du an bt cua bitexco tai thu do doi von khong can cu gan 37 ty dong
Dự án đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An có một số chi phí lập cao so với thực tế khiến tổng mức đầu tư tạm tính không có căn cứ 36,79 tỷ đồng. (Ảnh: Reatimes)

Ngoài ra, kết quả kiểm toán 17 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT trong năm 2017 cho thấy các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực NSNN nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành.

Hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) theo hình thức chỉ định thầu. Cụ thể, Hà Nội có 5/5 dự án BT kiểm toán; Đà Nẵng có 3/4 dự án; tỉnh Bắc Ninh có 2/2 dự án; Hà Nam cũng có 2/2 dự án; Thái Bình có 3/3 dự án và Thanh Hóa có 1/1 dự án...

Vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%) và được tính lãi, với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu chính phủ, nên thực chất gần như toàn bộ dự án là vốn của Nhà nước hoặc là vốn của Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất Nhà nước huy động để đầu tư thực hiện dự án. Điều này cho thấy, việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho NSNN, Báo cáo đánh giá.

Hơn nữa, chưa có quy định về thời điểm NĐT phải góp đủ số vốn chủ sở hữu dẫn đến NĐT không bắt buộc phải góp đủ vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ tối thiểu tại mọi thời điểm nhằm tiết kiệm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng. Đồng thời chưa có văn bản quy định cụ thể về tỷ suất lợi nhuận của NĐT nên có chênh lệch lớn giữa các hợp đồng (cao nhất 14%, thấp nhất 10% ).

Nhiều dự án giao cho NĐT thực hiện từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn đến có thể không đảm bảo tính khách quan...

Sau khi kiểm toán tại 30 dự án BT từ trước đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán.

Dự án Đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An được triển khai theo hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT), trong đó vốn đối ứng là khu đô thị Nam đường vành đai 3 - The Manor Central Park. Dự án có tổng mức đầu tư là 1.475 tỷ đồng, đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2009 và nằm trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

N.Lê