Dow Jones tăng phiên thứ 7 liên tiếp khi chiến tranh thương mại hạ nhiệt
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 45,41 điểm (0,17%) lên 27.182,45 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 7 liên tiếp.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,3% lên 3.009,57 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,3% lên 8.194,47 điểm.
Biến động chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 12/9. Nguồn: Bloomberg.
Hôm 12/9 Tổng thống Trump đồng ý lùi thời gian tăng thuế đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc thêm hai tuần (từ 1/10 sang 15/10) để "thể hiện thiện chí" trước khi hai bên đàm phán thương mại vào tháng 10.
Theo thời ông Trump, quyết định này được đưa ra theo lời đề nghị của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và ông Trump cũng muốn tránh tăng thuế vào đúng ngày kỉ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc (1/10/1949-1/10/2019).
Động thái của ông Trump làm dấy lên hi vọng về khả năng giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các cổ phiếu sản xuất chip như ON Semiconductor và Advanced Micro Devices tăng lần lượt 0,9% và 1,5%. Nhóm công nghệ tăng mạnh nhất trong chỉ số S&P 500, dẫn đầu là cổ phiếu PayPal với mức đi lên 3%. Microsoft cũng tăng 1%.
Đầu phiên giao dịch 12/9, thị trường chứng khoán Mỹ tăng lên đỉnh của phiên sau khi Bloomberg News đưa tin các cố vấn của Tổng thống Trump đang xem xét một thỏa thuận thương mại tạm thời với Trung Quốc.
Sau đó, CNBC dẫn lời quan chức cấp cao của Nhà Trắng khẳng định chính quyền Mỹ "tuyệt đối không" xem xét một thỏa thuận thương mại tạm thời.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trả lời CNBC thì cho biết ông Trump có thể thỏa thuận với Trung Quốc bất cứ lúc nào, nhưng ông muốn một thỏa thuận có lợi cho người lao động Mỹ.
Sau khi thị trường đóng cửa, CNBC lại dẫn lời ông Trump nói: "Tôi thấy nhiều người đang nói về một thỏa thuận tạm thời, tức là chúng ta chỉ thỏa thuận những phần dễ dàng trước. Nhưng không có gì là dễ hay khó. Chỉ có một thỏa thuận hoặc là không. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi có thể xem xét một thỏa thuận tạm thời".
Những thông tin trái ngược này khiến nhà đầu tư bối rối, không biết triển vọng quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ tích cực đến đâu.
Nhà đầu tư hôm 12/9 cũng đón nhận thông tin Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất tiền gửi từ -0,4% xuống còn -0,5%. Lãi suất âm tức là người gửi tiền không những không nhận được lãi mà còn mất thêm tiền cho ngân hàng.
Ngoài ra, ECB cũng tung ra chương trình mua lại tài sản trị giá 20 tỉ euro mỗi tháng và kéo dài vô thời hạn. Chính sách "nới lỏng định lượng" (Quantitative Easing) này có thể bơm hàng trăm tỉ euro ra nền kinh tế.